Chứng khoán lấy lại thăng bằng

Quan chức Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định cuộc khủng hoảng tại Mỹ ít tác động tới chứng khoán Việt Nam.

Sau một phiên lao dốc không phanh, thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tháng 10 đã lấy lại được thăng bằng, lượng cầu được cải thiện đáng kể đã giúp khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng mạnh.

Tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), lượng cầu tăng trở lại ngay từ đợt khớp lệnh mở cửa đã giúp chỉ số VNIndex tăng 6,56 điểm so với phiên giao dịch trước.

Tuy nhiên, sang tới đợt khớp lệnh liên tục tình trạng bán tháo cổ phiếu diễn ra khiến thị trường lại quay đầu sụt giảm, chỉ số VNIndex giảm hơn 11 điểm so với đợt khớp lệnh liên tục. Trong đợt khớp lệnh đóng cửa thị trường, mặc dù đã có khá nhiều cổ phiếu tăng giá trở lại, nhưng VNIndex chỉ tăng được gần 0,1 điểm so với đợt khớp lệnh liên tục và đóng cửa tại mức 454,41 điểm, giảm 2,29 điểm so với phiên giao dịch trước.

Sức cầu tăng trở lại đã giúp khối lượng giao dịch tại HoSE tăng khá mạnh so với phiên giao dịch trước với hơn 19,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị hơn 712 tỷ đồng. Các cổ phiếu lớn của thị trường tiếp tục giữ các vị trí dẫn đầu về tính thanh khoản, trong đó dẫn đầu là STB với hơn 3,1 triệu đơn vị được chuyển nhượng; tiếp đến là HPG, SSI, DPM, SAM.

Mặc dù thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm, nhưng số cổ phiếu tăng giá trong phiên giao dịch này đã nhiều hơn số tăng giá với 75 mã chứng khoán tăng giá, 71 mã giảm giá và 18 mã đứng giá.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phiên này vẫn ở mức khá thấp với hơn 2,6 triệu cổ phiếu các loại, trong đó mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu và bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu các loại.

Tại Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC), thị trường cũng đã sôi động trở lại sau một phiên khá trầm lắng. Mặc dù lượng đặt bán vẫn duy trì ở mức khá cao, nhưng sức cầu hồi phục mạnh mẽ đã giúp sàn Hà Nội có một phiên khá thành công với chỉ số HaSTC Index tăng 1,15 điểm và đóng cửa tại mức 149,7 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 11,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 390 tỷ đồng.

** Cuộc khủng hoảng tại Mỹ ít tác động tới chứng khoán Việt Nam. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo ông Sơn, 3 lý do chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam ít chịu tác động từ "cơn địa chấn" tài chính Mỹ đó là Việt Nam chưa có công ty nào niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư Mỹ trong doanh nghiệp Việt Nam không nhiều và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ, đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nhiều.

Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 7-8 tỷ USD. Mối lo ngại khối này rút vốn khỏi Việt Nam cũng là thiếu cơ sở vì theo ông Sơn, nếu nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Việt Nam thì họ cũng chưa có sự lựa chọn đầu tư nào khả thi hơn, trong khi ở Việt Nam tất cả các yếu tố kinh tế vĩ mô đều đang có chiều hướng tốt.
Mặt khác, khối đầu tư ngoại mua nhiều hơn bán tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC) và ngược lại trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) nhưng chênh lệch mua-bán không nhiều.
Ông Sơn nhận định, ảnh hưởng từ khủng hoảng từ thị trường tài chính Mỹ tại Việt Nam chỉ chủ yếu là hiệu ứng về mặt tâm lý, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam còn yếu kiến thức chuyên môn.

Một trong những đặc trưng ở thị trường Việt Nam là những bất ổn về tâm lý luôn chi phối, do người Việt Nam thường lao theo tâm lý đám đông và dễ lo lắng trước những tin đồn. Được biết, trong thời điểm này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có kế hoạch siết lại biên độ dao động giá chứng khoán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên