Chuyên gia lý giải vì sao chứng khoán "bốc" mạnh
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang thăng hoa nhưng tương lai rất khó đoán định.
Mở phiên giao dịch đầu tuần (ngày 28/6), trong bối bối cảnh thông tin dịch bệnh vẫn còn phức tạp mà sắc xanh và sự hứng khởi của nhà đầu tư bao trùm thị trường chứng khoán Việt khi chứng kiến nhiều mã cổ phiếu tăng điểm một mạch từ phiên sáng cho đến phiên chiều. Kết phiên 28/6, VN-Index đạt 1.405,81, tăng gần 16 điểm với khối lượng giao dịch là 23.192 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.
Nhìn nhận về sự tăng điểm trên thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho rằng, bối cảnh chứng khoán trong môt đại dịch đã là bất thường, không chỉ ở Việt Nam mà cả thị trường chứng khoán quốc tế.
Tính đến khoảng giữa tháng 6 năm nay, thị trường Mỹ tăng trưởng khoảng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng đến 19%, còn các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng đều tăng từ 10 - 12% so với thời điểm đầu năm 2021. Điều này cho thấy, đà tăng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đồng điệu với thế giới và các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối thì thị trường chứng khoán Việt Nam tăng cao hơn. Tính đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 23% và vốn hóa thị trường tăng trên 21% so với thời điểm cuối năm 2020. Sự tăng điểm này là bình thường nhưng tăng mạnh hơn so với các nước.
Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc có sự hồi phục do đã dần kiểm soát được dịch bệnh nên niềm tin của nhà đầu tư được củng cố rất nhiều. Xét ở khía cạnh nội lực, theo bà Tạ Thanh Bình, sự tăng điểm của chứng khoán Việt Nam là có lý do. Về mặt kinh tế vĩ mô, các số liệu trong 5 tháng đầu năm 2021 đều ghi nhận rất tích cực. Trong năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương, sang đến đầu năm nay vẫn tăng trưởng ổn định và có tiềm năng, xuất khẩu tăng trưởng tốt, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, lãi suất duy trì ở mức thấp, dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản và tiền ảo có dấu hiệu chững lại và tích cực đổ vào chứng khoán. Vì thế, không khó hiểu khi tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong nước khá mạnh mẽ, giao dịch lên mức trên 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá ổn định trong quý I năm nay, chứng tỏ khả năng chống chọi tốt của các doanh nghiệp trong đại dịch. Số liệu cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng tương ứng là 10,9 và 66,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu tăng lên.
Diễn biến của thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến của nền kinh tế. Sự tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện sự kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Ở góc nhìn về "sức khỏe" của các doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, sự tác động của đại dịch lên doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết rất khác nhau. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, nếu như nhìn vào các con số thì vẫn khả quan. Kết quả kinh doanh quý 1/2021 cho thấy, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nhóm VN30 rất khá quan. Hai bức tranh của khối doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết rất khác nhau, dẫn đến sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, niềm tin này lại được củng cố thêm bởi hai yếu tố là kiểm soát Covid-19 và diễn biến của kinh tế thế giới khi nhiều quốc gia có chiến lược vắc-xin từ sớm và hiện nay bắt đầu kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Một số quốc gia đã có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế và trở lại hoạt động bình thường, và đợt mở cửa thị trường lần này được dự đoán là bền vững hơn trước đây, vì thế nên kỳ vọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tích cực hơn và bền vững hơn.
Theo ông Phan Đức Hiếu, tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất khác so với lần trước. Nếu lần trước chuỗi cung - cầu về sản xuất bị đứt gãy thì trong thời điểm này một số doanh nghiệp thông báo rằng họ mới nhận được đơn hàng, trong đó có đơn hàng của ngành dệt may. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh. Niềm tin vào doanh nghiệp tăng lên, và đó cũng là lý do giá cổ phiếu tăng, dòng tiền chảy vào chứng khoán.
Nhận định về tính tăng trưởng ổn định của thị trường chứng khoán, ông Phan Đức Hiếu lưu ý, một nhân tố rất đáng quan tâm là sự đầu tư của khách hàng cá nhân, với số lượng tài khoản rất lớn. Các nhà đầu tư F0 rót tiền rất mạnh mẽ, tính thanh khoản và các hoạt động rất nhộn nhịp.
Lý giải tại sao lại có sự tham gia bùng phát của nhóm khách hàng cá nhân vào thị trường chứng khoán thời gian gần đây, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, nhìn vào diễn biến thị trường có thể thấy dịch Covid-19 khiến nhiều người mất việc làm, nhiều người mất cơ hội kinh doanh và tìm đến thị trường chứng khoán để đầu tư với kỳ vọng sinh lợi từ nguồn vốn đang nhàn rỗi của họ. Song, vì họ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp nên dòng vốn đầu tư này rất khó đoán định.
Đồng quan điểm này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhấn mạnh, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam là hết sức bất ngờ giữa bối cảnh đại dịch. Trước đây, trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và khủng hoảng khu vực châu Á năm 2017 thì thị trường chứng khoán lao dốc rất mạnh và đà lao dốc kéo dài cả năm. Nhưng hiện nay thì chứng khoán chỉ lao dốc nhất thời và nhanh chóng phục hồi, thậm chí là bật tăng mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư có niềm tin vào vắc-xin, niềm tin vào khả năng khống chế dịch và sự hồi phục kinh tế của các "đầu tàu" kinh tế, mà các đầu tàu này lại chính là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, trong đó có châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc... Các chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có, sự bánh trướng của ngân sách và các chính sách tài khóa chưa bao giờ lớn như bây giờ, có nước lên tới 20-30% GDP và vẫn chưa dừng lại tại đó.
Ngoài ra, lượng tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam khá lớn và đang rót vào chứng khoán, hòa cùng đà thăng hoa của một số khu vực như tài chính ngân hàng, công nghệ số,... Những nhân tố này đã làm cho thị trường chứng khoán "bốc" lên, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm./.