Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ kết thúc khi Trung Quốc nhượng bộ?

VOV.VN - Nếu sức chống chọi với cuộc chiến thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn bền bỉ, thì cuộc chiến này sẽ càng kéo dài.

Nhiều rủi ro từ chính sách tiền tệ

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng tình hình sẽ được cải thiện sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11 diễn ra suôn sẻ.

Trong giai đoạn hiện nay, việc Mỹ và Trung Quốc đưa ra giải pháp đối phó với các tác động thuế quan ra sao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của hai nền kinh tế này trong những năm tới.

Các biện pháp chính sách như cắt giảm thuế cho người thu nhập thấp sẽ kích thích tiêu dùng hộ gia đình (Ảnh: Reuters)

Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn đủ sức chống đỡ các tác động của cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, các động thái Trung Quốc đưa ra để đối phó với đòn thuế quan từ Mỹ sẽ gây ra các tổn thương tài chính và tác động mật thiết đến tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Tăng trưởng GDP quý III/2018 của Trung Quốc dự báo sẽ quanh mức 6,7% như trong quý II. Các chỉ số về cầu trong nước như doanh thu bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc vẫn “đứng vững”. Đáng nói, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng cao, nhưng dự báo sẽ sớm “ngấm đòn” do thuế quan của Mỹ bắt đầu có tác dụng.

Trong khi đó, hạ giá tiền tệ - một trong những công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc - lại trở thành con dai 2 lưỡi.

Đồng nhân dân tệ mất giá giúp Trung Quốc chống đỡ các tác dụng xấu từ chính sách thuế quan của Mỹ, giảm thiểu tác động tới người tiêu dùng Mỹ và nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc phá giá nội tệ nhanh chóng sẽ gây ra hệ lụy rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rất lo ngại vốn đầu tư chảy ồ ạt ra khỏi nước này, dù biết rất khó điều tiết và quản lý dòng vốn này.

Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể cứu vãn tăng trưởng ngắn hạn của Trung Quốc bởi chính sách này đã phát huy hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Có vẻ như chính phủ Trung Quốc đang hướng đến chính sách tiền tệ này.

Vào tháng 7/2018, Bắc Kinh đã điều chỉnh quan điểm về chính sách tiền tệ từ “thận trọng, khôn ngoan và trung lập” sang “thận trọng, khôn ngoan”. Sự điều chỉnh này thể hiện rõ nhất thông qua việc gần đây Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng từ ngày 15/10.

Việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tín dụng ngân hàng tăng lên sẽ có thể gây ra các rủi ro tài chính. Tuy nhiên, khi nợ doanh nghiệp và lượng nợ xấu của ngân hàng tăng cao sẽ khiến các công cụ nới lỏng tín dụng trở nên kém hiệu quả và tác động rủi ro đến tăng trưởng ngắn hạn.

Lựa chọn tốt hơn cho Trung Quốc

Các chính sách tài khóa có lẽ là lựa chọn tốt hơn, bởi chính sách phù hợp có thể thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn và đồng thời giúp tái cân bằng nền kinh tế, đưa Trung Quốc thoát khỏi mô hình tăng trưởng phụ thuộc đầu tư, với chi phí và rủi ro thấp hơn chính sách nới lỏng tiền tệ. Chẳng hạn, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân để kích thích chi tiêu hộ gia đình.

Trong khi Trung Quốc loay hoay với các biện pháp chống đỡ, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ dường như không bị ảnh hưởng nhiều, nhất là xuất khẩu. Xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu xuất khẩu của Mỹ và đóng góp 1 phần nhỏ trong GDP của Mỹ.

Chỉ có các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc hay coi Trung Quốc là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với những tác động xấu, còn kinh tế Mỹ vẫn đủ động lực tăng trưởng để vượt qua các tác động của cuộc chiến thương mại. Chẳng hạn như biện pháp kích thích tài chính hồi tháng 11/2017 của Mỹ vẫn đang phát huy tác dụng.

Nếu sức chống chọi với cuộc chiến thương mại của Mỹ và Trung Quốc vẫn bền bỉ, thì cuộc chiến này sẽ càng kéo dài. Bởi, theo quan điểm của chính quyền Mỹ, cuộc chiến chỉ kết thúc khi Trung Quốc chịu nhượng bộ trước các yêu cầu của Mỹ, nhưng xem ra việc Trung Quốc nhượng bộ là điều không thể bởi nước này vẫn đủ sức đối chọi với áp lực từ Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể chống đỡ các tác động ngắn hạn của cuộc chiến thương mại, nhưng sức nóng của cuộc chiến và cấu trúc của các nền kinh tế này thay đổi ra sao lại phụ thuộc vào giải pháp mà các nhà hoạch định chính sách hai nước đưa ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm
Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm

VOV.VN - Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài tới 20 năm và gây ra "tình trạng hỗn độn" cho các bên liên quan.

Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm

Jack Ma: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm

VOV.VN - Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài tới 20 năm và gây ra "tình trạng hỗn độn" cho các bên liên quan.

Chiến tranh thương mại tác động xấu tới hội nhập của Mỹ và Trung Quốc
Chiến tranh thương mại tác động xấu tới hội nhập của Mỹ và Trung Quốc

VOV.VN - Cựu Tổng giám đốc WTO cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động xấu tới sự gắn kết và hội nhập toàn cầu của hai nền kinh tế này. 

Chiến tranh thương mại tác động xấu tới hội nhập của Mỹ và Trung Quốc

Chiến tranh thương mại tác động xấu tới hội nhập của Mỹ và Trung Quốc

VOV.VN - Cựu Tổng giám đốc WTO cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động xấu tới sự gắn kết và hội nhập toàn cầu của hai nền kinh tế này. 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa các nền kinh tế mới nổi
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa các nền kinh tế mới nổi

VOV.VN - Giám đốc IMF cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh mẽ đến những nền kinh tế mới nổi.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa các nền kinh tế mới nổi

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa các nền kinh tế mới nổi

VOV.VN - Giám đốc IMF cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh mẽ đến những nền kinh tế mới nổi.