Doanh nghiệp trốn đóng BHXH ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động

VOV.VN - Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng hơn 22.000 tỉ đồng, tương ứng trên 5% tổng số phải thu.

Đặc biệt, hiện có khoảng 3.200 tỉ đồng chậm đóng BHXH của gần 30.000 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn. Khoản tiền này rất khó thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.

Tá hỏa khi bị bệnh mới biết mình không được đóng BHXH, BHYT

Suốt 4 năm kể từ năm 2019, 190 người lao động của Công ty cổ phần Dệt 19/5 bị công ty nợ Bảo hiểm xã hội. Sự việc chỉ được phát hiện khi có công nhân ốm, nằm viện. Anh Nguyễn Dương Dự, ở huyện Duy Tiên, Hà Nam, làm việc cho Công ty này từ năm 2018 đến năm 2021 cho biết: “Tôi vào làm việc cho Công ty cổ phần Dệt 19/5 từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2021 thì tôi nghỉ việc nhưng công ty không đóng BHXH cho tôi. Thời gian vừa rồi tôi gọi điện cho phòng hành chính nhân sự thì người ta bảo chưa đóng. Sau đó, năm 2021 tôi cũng đi xin làm ở công ty khác, gọi điện cho Công ty để đòi sổ BHXH để chốt công ty sau, họ trả cho mình sổ BHXH thì thấy chỉ đóng cho mình 2 tháng BHXH của năm 2018.”

Cùng chung hoàn cảnh, chị gái của anh Dự cũng làm việc cho Công ty dệt 19/5 và chỉ phát hiện Công ty nợ BHXH khi chị nằm viện. Anh Dự cho biết thêm: “Chị gái tôi cũng làm việc cho công ty này. Tháng 7/2022, chị ấy đi làm về thì bị tai nạn, vào bệnh viện, mang thẻ BHYT vào quét mã vạch thì bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Hà Nội – Đồng Văn bảo là công ty không đóng BHYT cho công nhân nên thẻ đó không có tác dụng nên chị tôi phải khám chữa bệnh tự nguyện 100%. Gọi cho phòng hành chính nhân sự công ty nói là do công ty nợ BHXH nên không đóng”.

 

Trước thực tế bị công ty nợ đọng BHXH, tiền lương kéo dài, mới đây, tập thể người lao động tại công ty này đã nộp đơn khởi kiện lần thứ 3 đối với ông Đỗ Văn Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội, chi nhánh tại Hà Nam (trụ sở tại 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Ban Chính sách – pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH thì người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Đặc biệt, rất nhiều quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như: không được hưởng chế độ BHYT khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi Nguyên nhân là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực.

Cần tăng chế tài với hành vi trốn đóng BHXH

Trước tình hình quyền lợi của hơn 200.000 người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có tác động xấu đến niềm tin của người lao động về chính sách an sinh xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét, đề xuất và trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù giải quyết quyền lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn còn chậm đóng tiền BHXH, nhưng còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. Theo ông Lê Đình Quảng, về lâu dài cần phải sửa Luật BHXH, tăng cường các chế tài đủ mạnh cho hành vi trốn, chậm đóng BHXH.

 “Việc sửa đổi pháp luật về an sinh xã hội, nhất là sửa đổi Luật BHXH, BHYT, BHTN, trong đó phải chú trọng tăng tính công khai minh bạch, tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Đồng thời phải tăng trách nhiệm các cơ quan quản lý về BHXH, không để tình trạng doanh nghiệp chậm, nợ lâu. Trong thực thi cũng phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm.  Bộ luật hình sự đã quy định tội liên quan đến trốn đóng BHXH, chậm đóng BHXH nhưng hầu như chưa xử lý được thì cái này cũng phải xem xét.” - ông Quảng nói

Pháp luật hiện hành quy định khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH. Tuy nhiên, các chế tài xử lý vẫn chưa thực sự đủ mạnh, chưa sát với thực tế áp dụng. Mức xử phạt tối đa đối với hành vi vi phạm đóng BHXH là 75 triệu đồng/cá nhân và 150 triệu đồng/tổ chức. Vì vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt và trả lãi suất nợ BHXH bởi mức lãi này thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng và không phải làm thủ tục vay. Hoặc đối với quy định ngân hàng có thẩm quyền trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi suất của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH cũng không khả thi.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đơn hàng đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành phía Nam, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tham gia cùng với BHXH thành phố, hiện nay chúng tôi đang có nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền, vừa sử dụng các công cụ của chính quyền để kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và đặc biệt là chúng tôi chú ý đến doanh nghiệp nợ đọng BHXH mà đang có khó khăn về thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẽ chú ý cùng với cơ quan BHXH thành phố các địa phương, một mặt lo cho người lao động, một mặt tổ chức động viên các giới chủ doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH để giải quyết chế độ chính sách cho người lao động”.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có giải pháp phối hợp chặt chẽ với công an kiên quyết xử lý những đơn vị, cố tình vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Người lao động khi thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì cần mạnh dạn khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu
Đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu

VOV.VN - Hôm nay (26/11), tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tự nguyện Quý III/2022.

Đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu

Đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu

VOV.VN - Hôm nay (26/11), tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tự nguyện Quý III/2022.