Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quả vải, nhãn XK vào các thị trường cho giá trị cao
VOV.VN - Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương, đối với trái vải thì mùa vụ rơi vào tháng 6 và trái nhãn thì đến cuối tháng 8 nên không quá lo ngại. Quan trọng vẫn là tìm kiếm thị trường cho giá trị cao.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn” diễn ra chiều nay (31/5/2023) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, tiềm năng, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả tươi, trong đó có quả vải, quả nhãn là rất lớn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng, thông quan… đối với sản phẩm mùa vụ, cần được sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây cả nước trong quý II/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch. Nguồn cung trái cây dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.
Từ thực tế thị trường tiêu thụ trái vải nhiều năm nay vẫn chủ yếu là Trung Quốc cũng như cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho giá trị cao, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: "Chúng ta nên tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc họ qua Việt Nam để mua bán hoặc là thoả thuận hợp đồng, tạo điều kiện viza dễ dàng, phương tiện đi lại thuận lợi để cho họ mua bán.
Cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng. Thứ hai nữa là nếu đi Mỹ thì cần có tính tới việc ưu tiên như thế nào đó về lệ phí máy bay để chuyển vào Nam để chiếu xạ và xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Úc… hoặc là có thể đàm phán với phía Mỹ thực hiện việc xử lý trái vải nó giống như Nhật, tức là sử dụng Methyl Bromide… để xử lý thay vì phải chở vào Nam để chiếu xạ…".
Trước thực tế ùn ứ tại nhiều cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua mỗi khi mùa vụ rau quả, trái cây chín rộ, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương cho rằng, đối với trái vải thì mùa vụ rơi vào tháng 6 và trái nhãn thì đến cuối tháng 8 nên không quá lo ngại. Quan trọng vẫn là tìm kiếm thị trường cho giá trị cao.
"Chúng ta hoàn toàn có thể điều phối được sản lượng xuất khẩu qua biên giới, và chúng tôi cho rằng vấn đề ở đây là phải tìm được những nhà tiêu thụ, các nhà nhập khẩu của phía bên Trung Quốc một cách hợp lý và đạt được giá tốt nhất chứ không phải vấn đề là lo ngại thông quan qua biên giới Lạng Sơn…" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Sau khi nghe đại diện các cơ quan địa phương - là vùng trồng nhiều vải, nhãn như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La và Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin về vụ mùa thu hoạch, trao đổi về nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng quả vải và nhãn của các địa phương và doanh nghiệp trong năm 2023; Các tiềm năng, cơ hội cho quả vải, quả nhãn vào các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Áo…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện. Cùng với xuất khẩu ra nước ngoài, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng tới thị trường nội địa.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: "Chúng ta vẫn phải nỗ lực tối đa để phát triển thị trường trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế và chi phí về thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp gia tăng thị phần. Thứ hai là cũng cần chú ý hoạt động hỗ trợ trong việc xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm… cần phải làm tốt hơn việc cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm của Việt Nam".
Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các địa phương và kể cả các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để làm tốt việc xúc tiến thương mại nói chung cũng như là việc xúc tiến để xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm ngay trong thị trường nội địa đối với mặt hàng có thế mạnh của các địa phương, trong đó có mặt hàng vải, mặt hàng nhãn có tính đặc thù, mùa vụ.../.