Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ Hiệp định EVFTA?

VOV.VN - Sáng 8/6, 94,62% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Quốc hội thông qua, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và Đông Nam bộ phấn khởi và hy vọng sẽ tận dụng cơ hội này đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất  khẩu và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, cũng như các doanh nghiệp khác ở Bình Dương, ông rất vui khi Quốc hội thông qua 2 Hiệp định quan trọng này.

Hiệp định EVFTA, EVIPA được thông qua mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Theo ông Trọng: "Về phía những đơn vị nhập khẩu, chúng tôi kỳ vọng khi Hiệp định có hiệu lực thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ và thiết bị của châu Âu với chi phí thấp hơn hiện nay. Cụ thể mức thuế nhập khẩu giảm hơn so với mức thuế hiện nay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua EU sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn nữa”.

Theo ông Tim Evans, CEO của HSBC Việt Nam, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và EVFTA có hiệu lực đồng nghĩa với khởi động quá trình loại bỏ 99% thuế quan lên hàng hóa. Hai phần ba thuế lên hàng xuất khẩu từ EU sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi khoảng 71% thuế áp lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu sẽ được dỡ bỏ ngay với phần còn lại có hiệu lực theo lộ trình 7 đến 10 năm.

Do đó, lợi ích mà EVFTA mang lại đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là rất lớn, kỳ vọng có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm nhờ các tác động thương mại tích cực. Trong đó, dệt may và da giày sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này trước khi hiệp định có hiệu lực đang ở mức cao nhất.

Là doanh nghiệp chuyên xuất hàng cho thị trường EU, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được thông qua giúp doanh nghiệp Việt Nam được lợi rất nhiều, nhất là thuế nhập khẩu vào thị trường EU.

"Hiệp định được thông qua được thì thuế nhập khẩu vào châu Âu sẽ giảm xuống khả năng các mặt hàng tiềm năng bán được nhiều hơn. Thứ hai, giá cả mình có thể đề nghị khách hàng xem xét nâng hơn. Ví dụ: Trước đây mình mua nguyên liệu không có, chi phí chế biến nhiều… đề nghị họ tăng thì không được, nên sức mua của thị trường EU giảm. Lần này trước mắt các mặt hàng ưu tiên như: Thực phẩm, nông sản, hải sản được ưu tiên".

Một số doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ tại TP HCM cho biết, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có cơ hội gia tăng thị phần ở châu Âu như: ván công nghiệp, ván MDF và hàng thủ công mỹ nghệ…

Ông  Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch  Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho rằng, không chỉ xuất khẩu mà khi nhập khẩu, doanh nghiệp cũng có cơ hội mua những nguyên vật liệu chế biến gỗ nhập từ châu Âu chất lượng tốt, giá rẻ hơn do thuế nhập khẩu giảm. Từ đó, sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam cũng nâng cao chất lượng. Doanh nghiệp chế biến gỗ còn có cơ hội thay thế chuỗi cung ứng nguyên vật  liệu, thay vì trước đây chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.

"Các nguyên phụ liệu có chất lượng cao nhập từ châu Âu, trước đây có thuế suất cao, phần lớn thuế từ 10-25% thì bây giờ có cơ hội giảm xuống. Dĩ nhiên, Hiệp định EVFTA thì lộ trình giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trễ hơn các nước châu Âu, nhưng mình phải nghiên cứu để không phải chịu sức ép và tận dụng cơ hội này để tiếp cận nguồn nguyên liệu, phụ liệu chất lượng cao, giá giảm xuống do thuế giảm” - ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.

Các Hiệp định: EVFTA, EVIPA được thông qua mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Âu, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức. Để tận dụng tốt lợi thế này, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ những quy định cụ thể  từng ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên