Đồng peso mất giá – lạm phát gia tăng khiến người dân Cuba dần “mất bình tĩnh”
VOV.VN - Đồng peso ngày càng mất giá cộng hưởng với tình trạng lạm phát trầm trọng trong những tháng gần đây, khiến người dân Cuba phải chật vật để có thể đủ chi tiêu cơ bản trong cuộc sống.
Tuy nhiên gần đây, các chính sách hỗ trợ lạm phát của Chính phủ dần “không có tác dụng” khiến nhiều người dân bất bình và “mất kiên nhẫn”.
Nếu hồi tháng 8 mất 150 Peso Cuba để mua một USD, thì hiện đã phải mất hơn 200 Peso Cuba để mua một USD - mức thấp trong lịch sử tại Cuba kể từ những năm 1990, khiến cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn do giá cả lương thực tăng cao đột biến.
Ngân hàng Trung ương Cuba vẫn cố gắng kìm hãm sự mất giá của đồng Peso. Tuy nhiên, bất chấp biện pháp mới, giá trị của đồng Peso đến nay đã giảm hơn 50% trên thị trường phi chính thức. Tình trạng tiền mất giá khiến hầu hết người dân chật vật trong chi tiêu.
Một số người dân chia sẻ:
- “Vấn đề là những người xử lý quỹ tiền tệ quốc gia đã đặt giá trị của đồng Peso Cuba theo giá đô la. Nếu trước đây một đô la là 25 peso Cuba, nhưng hiện đô la có giá tận 200 peso. Hầu hết tất cả các sản phẩm bằng tiền quốc gia đều phải tương ứng với giá đô la, điều này làm nên mọi thứ rất tốn kém. Việc giải thích mọi thứ thật rắc rối và phức tạp. Đôi khi chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
- “Mọi thứ đều rất tốn kém; chúng tôi không có đủ tiền. Đôi khi, tiền đến tay chưa kịp tiêu gì đã hết. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tiền sẽ không thể đủ cho chi tiêu đến khi tỷ giá tốt lên".
Bên cạnh đó, khó khăn kinh tế tại Cuba càng gia tăng trong bối cảnh lệnh cấm vận được thắt chặt và khan hiếm sau khi một vụ cháy lớn phá hủy 40% kho nhiên liệu chính của nước này hồi tháng 8. Chính quyền đã cam kết sẽ kiềm chế lạm phát hoành hành, giảm thiểu tình trạng mất điện luân phiên hàng ngày và cải thiện nguồn cung cấp hàng hóa cơ bản. Song đến nay, mất điện triền miên, thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men và phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ để mua hàng hóa cơ bản, khiến nhiều người dân thất vọng.
Ông Jorge Pinon – nhà nghiên cứu tại Viện Năng lượng thuộc Đại học Texas Mỹ cho rằng, tình hình khó có thể cải thiện cho đến cuối năm nay.
“Tình hình dịch vụ điện quốc gia của Cuba đang rất nghiêm trọng. Ngày nay, nước này đang vận hành ít hơn 40% sản lượng của các nhà máy nhiệt điện và tổ máy phát điện, chủ yếu là do thiếu vốn bảo trì. Các đơn vị này đã hoạt động hơn 40 năm và đang trong tình trạng rất tồi tệ. Không thể cải thiện tình hình bằng cách sử dụng các cách chắp vá, không có giải pháp ngắn hạn. Và nó không thể được giải quyết trong 3 tháng tới. Cuba không có hai nguồn lực chính là thời gian và vốn" - ông Jorge Pinon cho biết.
Kể từ năm 2020, nhập khẩu của Cuba đã giảm 40% và tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm 10%. Theo chính phủ, lạm phát đã tăng vọt 77% vào năm ngoái và 28% tính đến tháng 9 năm nay, thậm chí một số chuyên gia còn cho rằng lạm phát thực ra đã gia tăng ở mức ba con số./.