Giá sữa chây ỳ khiến người tiêu dùng bức xúc
VOV.VN - Giá nguyên liệu sữa đã giảm từ 12 - 20% nhưng giá sữa trong nước vẫn chây ỳ, thách thức cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Lặng lẽ tăng giá
Chị Minh Anh ở Đê La Thành (Hà Nội) chia sẻ, chị thấy thông tin giá sữa nguyên liệu giảm nên rất mừng vì tưởng rằng sắp tới sẽ mua được sữa rẻ hơn. Tuy nhiên, gần 1 tháng đã trôi qua nhưng giá sữa trên thị trường không nhúc nhích. Thậm chí một số loại sữa còn bị đại lý nâng giá bán từ 3 - 10 nghìn đồng/hộp.
Đồng quan điểm với chị Minh Anh, chị Mai Hoa ở Hà Đông (Hà Nội), khách hàng “trung thành” của hãng Abbott bức xúc: “Tôi thường mua sữa Similac Gain IQ cho con dùng. Nhưng không hiểu sao từ tháng 8 đến nay, các đại lý tăng giá 70 nghìn đồng/hộp 1,7kg loại dành cho trẻ 1 - 3 tuổi trong khi giá sữa nguyên liệu lại giảm mạnh. Khi tôi thắc mắc vì sao giá sữa nguyên liệu giảm còn giá sữa của Abbott lại tăng thì các đại lý đều đưa ra lý do hãng tăng giá nên đại lý phải tăng theo”.
Người tiêu dùng bức xúc khi giá sữa không giảm. |
Trước những thông tin trên, phóng viên đã tiến hành khảo sát một số đại lý sữa. Tại các đại lý sữa trên phố Thái Thịnh, Thành Công, Giảng Võ, Tuệ Tĩnh giá các mặt hàng sữa như Nan (của Nga) số 1, 2, 3 loại 900g trước đây có giá 460.000 - 465.000 đồng/hộp thì hiện nay một số cửa hàng đang bán ra với giá 60.000 - 465.000 đồng/hộp thì hiện nay
480.000 đồng /hộp. Tương tự, giá sữa Physiolac 2,3 loại 900g trước đây có giá 349.000 - 369.000 đồng/hộp thì nay nhiều nơi bán với giá 370.000 - 373.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, tăng giá nhiều nhất là sản phẩm sữa Similac Gain IQ của hãng Abbott loại 1,7kg (tăng 60.000 - 70.000 đồng/hộp).
Trước đây, giá loại sữa này được các đại lý bán 680.000 đồng/hộp. Hiện nay, có giá 745.000 - 750.000 đồng/hộp. Tại một số công ty bán hàng online vẫn báo giá 680.000 - 690.000 đồng/hộp, nhưng khi chúng tôi liên hệ hỏi giá thì nhân viên cho biết hiện đã hết hàng và giá đấy là giá cũ chưa sửa.
Liên hệ với Abbott, chúng tôi được nhân viên tổng đài cho biết: “Công ty không hề tăng giá bán sản phẩm. Nhưng có thể nhà phân phối đã tăng giá bán hoặc đại lý tự tăng giá bán”. Để có câu trả lời cụ thể, phóng viên đã liên hệ với nhà phân phối Abbott, Dutch Lady và một số hãng sữa khác. Tuy nhiên, phóng viên không nhận được phản hồi.
Bình ổn giá sữa có hiệu quả?
Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố, trong tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12 - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường Úc, với biên độ giảm từ 30 - 35% so với tháng trước.
Cụ thể, tại thị trường châu Âu, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) tiếp tục giảm còn 1.650 - 1.925 USD/tấn, giá sữa bột nguyên kem (26% bơ) giảm còn 1.900 - 2.475 USD/tấn. Giá bột whey giảm 150 USD/tấn so với tháng trước. Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy (1,25% bơ) giảm còn 1.325 - 1.700 USD/tấn, giá sữa bột nguyên kem (26% bơ) giảm còn 1.450 - 2.000 USD/tấn.
Nguyên nhân của việc sữa nguyên liệu giảm được cho là do nguồn cung sữa hiện vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là tin vui đối với 10 triệu trẻ em đang dùng sữa trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của người tiêu dùng, giá của hơn 700 sản phẩm sữa trong nước vẫn đứng im. Nghịch lý này càng đáng nói hơn khi thị trường sữa Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đại diện lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan cho biết, giá một số sản phẩm sữa bột sau thông quan vào khoảng từ 4-5 USD/hộp (tương đương với mức 80.000 - 100.000 đồng). Còn giá bán lẻ trên thị trường thực tế qua khảo sát là từ 20 - 25 USD/hộp (tương đương 400.000 - 500.000 đồng), tức là gấp 5 lần so với giá nhập khẩu.
Lý giải về nguyên nhân giá sữa không giảm, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá sữa trong nước không giảm là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, bản thân cơ quan quản lý giá của Nhà nước chưa tiến hành quản lý sát sao đối với các đơn vị sản xuất.
Trong Luật giá đã quy định, khi có những biến động về giá chúng ta có quyền yêu cầu kê khai về giá nhưng việc này chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, do chạy theo lợi nhuận đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa không thực hiện đúng các quy định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Cục Quản lý giá công bố, đến tháng 8/2015, đã có 754 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được đưa vào danh sách bình ổn giá. Thế nhưng, liệu việc bình ổn này có mang lại hiệu quả thiết thực không khi thị trường đang tồn tại một nghịch lý giá sữa trong nước chây ỳ không giảm, trong khi giá thế giới giảm mạnh. Để trả lời câu hỏi này rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý./.