Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng từ 2,7 - 3,3% trong tháng 4
VOV.VN - Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021.
Cục Chăn nuôi cho biết, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong quý I tăng từ 7% đến 10% so với quý IV/2020. Trong tháng 4/2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục tăng từ 2,7% đến 3,3% so với quý I/2021. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng tối thiểu từ 5% đến 10%, tương đương từ 500 đồng - 1.000 đồng/kg tùy loại.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng do giá các loại nguyên liệu đầu vào như: Ngô, đậu tương, khô dầu tăng do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước...
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung. Trong đó, có mặt hàng thức ăn chăn nuôi với mức chi phí vận chuyển trung bình tăng từ 200 - 300% so với bình thường.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, cần có chính sách bình ổn giá nguyên liệu thức ăn để hỗ trợ người chăn nuôi giảm thiệt hại.
Theo ông Trọng: "Nếu giá tăng kéo dài sẽ rất khó khăn cho người chăn nuôi và chăn nuôi sẽ khó có lãi. Vì vậy, cần có những chính sách cần thiết trong giai đoạn này và có giải pháp bình ổn giá đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giúp cho người chăn nuôi giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào".
Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi; cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi.
Các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc…/.