Xung đột ở Ukraine đẩy hợp tác về hạt nhân Nga - Mỹ vào thế lung lay

VOV.VN - Nga và Mỹ sở hữu những kho hạt nhân lớn nhất thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow vẫn có thể hợp tác với nhau về các biện pháp nhằm tránh thảm họa hạt nhân nhưng hiện nay, sự hợp tác này đang lung lay.

Hợp tác Nga – Mỹ về vấn đề hạt nhân chao đảo sau 1 năm

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau vào năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã tự hào tuyên bố, "thậm chí cả trong quãng thời gian căng thẳng", Washington và Moscow vẫn có thể hợp tác với nhau về vấn đề hạt nhân.

Một năm sau, sự hợp tác này dường như đã lung lay.

Đáng chú ý, những cuộc giao tranh quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine do quân đội Nga kiểm soát đã làm gia tăng những điều khó đoán định trong mối quan hệ Nga - Mỹ về vấn đề hạt nhân, vốn đã chao đảo bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Moscow.

Xung đột ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề hạt nhân khác từ các cuộc đàm phán về Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho tới những cuộc trao đổi quốc tế gần đây về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Nga và Mỹ đều cáo buộc đối phương làm phức tạp thêm những cuộc kiểm tra chéo tại các cơ sở vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước New START. Đã có một vài lo ngại rằng New START - hiệp ước kiểm soát vũ trang cuối cùng giữa hai quốc gia sẽ không được làm mới hoặc sẽ không được thay thế nếu căng thẳng giữa 2 siêu cường hạt nhân này tiếp tục xấu đi.

Nga và Mỹ sở hữu những kho hạt nhân lớn nhất thế giới. Thậm chí trong Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow vẫn có thể hợp tác với nhau về các biện pháp nhằm tránh thảm họa hạt nhân. Theo các cựu quan chức và các nhà phân tích, tính nhạy cảm của bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hạt nhân đồng nghĩa với việc hai quốc gia cần đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng họ vẫn có thể hợp tác với nhau hiện nay.

"Bất chấp những khác biệt, Mỹ và Nga có trách nhiệm đặc biệt để tránh thảm họa hạt nhân xảy ra", ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định.

"Theo tôi, hai bên đều có lợi ích trong việc duy trì các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể vượt qua tất cả những vấn đề và trở ngại khác do cuộc xung đột ở Ukraine tạo ra hay không".

Rủi ro từ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Mối lo ngại cấp bách nhất hiện nay là tình hình nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia, phía Nam Ukraine. Các lực lượng của Nga đã kiểm soát nhà máy này không lâu sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 mặc dù nhà máy vẫn do các nhân viên của Ukraine vận hành. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau gây ra nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong những ngày gần đây.

Nga và Ukraine đã trải qua những cuộc giao tranh dữ dội ở khu vực quanh nhà máy này, trong đó bao gồm cả những cuộc không kích và pháo kích, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay. Nga cáo buộc Ukraine đang tiến hành “khủng bố hạt nhân” khi thực hiện các cuộc pháo kích; còn Ukraine cáo buộc ngược lại Nga về hành động “tống tiền hạt nhân” với Ukraine và châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cử các chuyên gia tới nhà máy này giữa bối cảnh lo ngại gia tăng về sự cố hạt nhân do xung đột. Các nhà máy điện hạt nhân đều được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng dường như ký ức về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Ukraine vẫn ám ảnh nhân loại.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết ngày 28/9 rằng Mỹ "hoàn toàn ủng hộ" những nỗ lực của IAEA, đồng thời kêu gọi Nga "đảm bảo an toàn và quyền tiếp cận tự do" của các thanh sát viên.

Theo ông Kirby, Nga nên nhất trí thiết lập "một khu vực phi quân sự" quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và "những cuộc giao tranh quanh nhà máy này nên dừng lại".

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nhận định, Mỹ tin là "việc đóng cửa có kiểm soát" các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy là "hành động giảm thiểu rủi ro hiệu quả nhất trong ngắn hạn".

Các nhà khoa học Mỹ hiện đang giám sát dữ liệu cảm biến bức xạ từ nhà máy này và cho tới nay không có dấu hiệu nào cho thấy "mức độ bức xạ bất thường hoặc tăng lên".

Căng thẳng liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã lan sang cả những cuộc trao đổi gần đây về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Nga đã từ chối thông qua tài liệu cuối cùng liên quan đến Hiệp ước trên bởi nước này phản đối những nhận định về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông Daryl Kimball, người cũng tham dự sự kiện trên cho biết, trong tài liệu dự thảo có nêu ra việc Nga và Mỹ cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí về việc làm mới thỏa thuận New START - dấu hiệu cho thấy Moscow nhìn chung vẫn sẵn sàng tiến hành các cuộc trao đổi kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, phần liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã đi ngược với mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, do đó, Moscow đã bác bỏ toàn bộ tài liệu trên, ông Kimball cho hay.

Hiện nay, Mỹ và Nga đang trong quá trình thảo luận về các cuộc kiểm tra bị dừng lại do đại dịch Covid-19. Nga đã chỉ trích các lệnh trừng phạt Mỹ áp lên nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời cáo buộc chúng cản trở khả năng của Moscow trong việc tiến hành các cuộc kiểm tra như một phần của thỏa thuận. Chẳng hạn, các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh hạn chế Nga sử dụng không phận, vốn được coi là một điều khoản gây khó khăn cho Moscow trong việc đi lại.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lập luận hồi giữa tháng 8 rằng: "Các lệnh trừng phạt và các biện pháp hạn chế Mỹ áp lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước New START. Chúng không hề cản trở các chuyên gia Nga thực hiện các cuộc kiểm tra ở Mỹ theo hiệp ước".

Theo một số nhà quan sát, triển vọng chung cho Hiệp ước New START vẫn khá ảm đạm.

Ông Jeffrey Edmonds, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đặc trách các vấn đề về Nga cho biết Moscow đang mở rộng số lượng vũ khí hạt nhân có thể đặt lên một tên lửa. Ông dự đoán, một hiệp ước kế tiếp Hiệp ước New START sẽ khó có khả năng đàm phán.

"Chúng ta có nguy cơ bước vào một địa hạt nguy hiểm chưa từng được ghi nhận trước đỏ", cựu quan chức Mỹ bình luận.

Chưa đến thời điểm phù hợp

Vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow đã tham gia vào một tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân, khẳng định cần tránh để chiến tranh hạt nhân xảy ra.

"Chúng tôi khẳng định chiến tranh hạt nhân không thể giành chiến thắng và không được phép xảy ra", Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh khẳng định trong một tuyên bố chung hồi tháng 1/2022.

Không lâu sau xung đột ở Ukraine, Tổng thống Putin đã ra lệnh lực lượng răn đe hạt nhân Nga đặt trong cảnh báo cao. Mỹ đã gọi động thái này là sự leo thang "hoàn toàn không thể chấp nhận được", song không có phản ứng tương xứng.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng: "Bất chấp những cảnh báo mang tính gây hấn, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine và chúng tôi không có lý do gì để dấy lên cảnh báo hay điều chỉnh lập trường của mình về vấn đề hạt nhân".

"Các cuộc tham vấn giữa Mỹ và Nga có vai trò cần thiết để tăng cường sự ổn định toàn cầu. Nhưng hiện nay không phải là thời điểm cho những cuộc trao đổi như vậy".

Chính quyền Tổng thống Biden đã dừng các cuộc trao đổi cấp cao liên quan đến vấn đề hạt nhân với Nga, thường được gọi là các vấn đề "ổn định chiến lược" sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy những cuộc đối thoại này sẽ được nối lại.

Dù vậy, hồi đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, Mỹ đã thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán "một khung kiểm soát vũ khí mới" với Nga, có khả năng sẽ thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START).

"Ngày hôm nay, chính quyền Mỹ sẵn sàng nhanh chóng đàm phán khung thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới để thay thế Hiệp ước New START khi nó hết hạn vào năm 2026. Nhưng quá trình đàm phán cần một đối tác cũng có niềm tin và thái độ sẵn sàng", ông Biden nói.

Tổng thống Biden cũng cáo buộc Moscow đã "làm tan vỡ hòa bình châu Âu" bằng chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine, đồng thời gọi đó là một “cuộc tấn công vào những nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế".

"Trong bối cảnh này, Nga nên thể hiện thái độ sẵn sàng nối lại hợp tác về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ".

Những vấn đề phức tạp xoay quanh Hiệp ước New START cũng nảy sinh giữa bối cảnh các quan chức Mỹ cho rằng đã đến lúc đưa cả Trung Quốc vào các hiệp ước kiểm soát vũ khí, đặc biệt khi Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự trên thế giới cũng như mở rộng kho hạt nhân của mình. Dù vậy, Trung Quốc hầu như không quan tâm nếu không muốn nói là không có ý định tham gia vào những cuộc trao đổi này.

Có một khía cạnh liên quan đến vấn đề hạt nhân mà Mỹ, Nga và Trung Quốc tiếp tục hợp tác với nhau: Đó là nỗ lực làm hồi sinh Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, tiến trình này cũng gặp không ít căng thẳng.

Nga yêu cầu một Thỏa thuận Hạt nhân Iran được khôi phục nên bao gồm những ngoại lệ bảo vệ các hoạt động thương mại của Nga và Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Dù vậy, đề xuất này đã không được phía Mỹ và châu Âu chấp nhận./.

Ukraine khó phản công quy mô lớn ở miền Nam

VOV.VN - Lực lượng Ukraine từng giành lại quyền kiểm soát các ngôi làng và những vùng lãnh thổ nhỏ trước đây ở Kherson, nhưng Kiev vẫn chưa chứng tỏ được khả năng tiến hành một cuộc phản công lớn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phương Tây đối mặt thất bại trong cuộc chiến trừng phạt Nga?
Phương Tây đối mặt thất bại trong cuộc chiến trừng phạt Nga?

VOV.VN - Các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng cũng như hệ thống tài chính của Nga đang bắt đầu cho thấy tác động, nhưng không theo cách mà nhiều người dự đoán.

Phương Tây đối mặt thất bại trong cuộc chiến trừng phạt Nga?

Phương Tây đối mặt thất bại trong cuộc chiến trừng phạt Nga?

VOV.VN - Các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng cũng như hệ thống tài chính của Nga đang bắt đầu cho thấy tác động, nhưng không theo cách mà nhiều người dự đoán.

Nga và Ukraine cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến tiêu hao?
Nga và Ukraine cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến tiêu hao?

VOV.VN - Ban đầu Nga chủ động đánh nhanh và dứt khoát trong cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, xung đột này đã kéo dài thành 6 tháng và chuyển biến theo hướng chiến tranh tiêu hao. Rốt cuộc, ai sẽ là người cầm cự lâu hơn và kết cục cuộc chiến sẽ như thế nào?

Nga và Ukraine cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến tiêu hao?

Nga và Ukraine cầm cự được bao lâu trong cuộc chiến tiêu hao?

VOV.VN - Ban đầu Nga chủ động đánh nhanh và dứt khoát trong cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, xung đột này đã kéo dài thành 6 tháng và chuyển biến theo hướng chiến tranh tiêu hao. Rốt cuộc, ai sẽ là người cầm cự lâu hơn và kết cục cuộc chiến sẽ như thế nào?

Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây
Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây

VOV.VN - Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều đòn trừng phạt nhất thế giới, nhưng cũng mở ra cơ hội mới để Iran để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với một cường quốc lớn trên toàn cầu.

Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây

Nga và Iran liên minh chống lại sự cô lập của phương Tây

VOV.VN - Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều đòn trừng phạt nhất thế giới, nhưng cũng mở ra cơ hội mới để Iran để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với một cường quốc lớn trên toàn cầu.

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ
Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ

VOV.VN - Các nhà quan sát nhận định chiến tranh hạt nhân là sự kiện khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật.

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ

Hậu quả khủng khiếp nếu xung đột ở Ukraine biến thành chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ

VOV.VN - Các nhà quan sát nhận định chiến tranh hạt nhân là sự kiện khó có khả năng xảy ra nhưng không phải là mối đe dọa không có thật.

Quân Nga tiến chậm nhưng chắc, Ukraine đề phòng bẫy "tác chiến chiều sâu"
Quân Nga tiến chậm nhưng chắc, Ukraine đề phòng bẫy "tác chiến chiều sâu"

VOV.VN - Một sĩ quan tình báo Mỹ nhận định, quân Nga tiến chậm nhưng chắc chắn ở Ukraine. Theo ông này, quân đội Ukraine cần đề phòng nguy cơ sập bẫy "tác chiến chiều sâu" của quân đội Nga.

Quân Nga tiến chậm nhưng chắc, Ukraine đề phòng bẫy "tác chiến chiều sâu"

Quân Nga tiến chậm nhưng chắc, Ukraine đề phòng bẫy "tác chiến chiều sâu"

VOV.VN - Một sĩ quan tình báo Mỹ nhận định, quân Nga tiến chậm nhưng chắc chắn ở Ukraine. Theo ông này, quân đội Ukraine cần đề phòng nguy cơ sập bẫy "tác chiến chiều sâu" của quân đội Nga.