Thủ tướng làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

VOV.VN - Sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm, xử lý những khó khăn, vướng mắc của tập đoàn.

Cuộc làm việc được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở chính của PVN tại Hà Nội kết nối với 13 điểm cầu các đơn vị đầu mối của Petrovietnam trên toàn quốc, các công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và Liên bang Nga thuộc Petrovietnam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và bảo đảm an ninh năng lượng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Thời gian qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành một Tập đoàn dầu khí lớn mạnh trong khu vực với nhiều Nhà máy, công trình, sở hữu, quản lý khối tài sản Nhà nước gần 40 tỷ USD và trên 6 vạn người lao động, trong đó có nhiều chuyên gia giỏi có trình độ quốc tế, làm chủ công nghệ, thay thế được các chuyên gia nước ngoài.

Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2021, doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 627 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng, vượt 27,8% kế hoạch; nộp ngân sách 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 51,7 nghìn tỷ, vượt 3 lần kế hoạch.

Trong 8 tháng năm 2022, khai thác dầu khí vượt kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 627 nghìn tỷ đồng; nộp NSNN đạt đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8 tháng năm 2022 đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, vượt 2,3 lần kế hoạch năm, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãnh đạo PVN cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển đến năm 2035, định hướng đến 2045; Kiến nghị về thành lập Chi nhánh phát điện dầu khí trực thuộc PVN; xử lý các vướng mắc trong thực hiện các dự án; về tăng tiêu thụ khí trong phát điện nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư các hạ tầng ngành khí và kiến nghị về chính sách về lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo trong sản xuất, vượt qua các khó khăn để duy trì sự phát triển của tập đoàn. Tập thể lãnh đạo và cán bộ toàn tập đoàn đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế - kỹ thuật - quản trị, thực hiện tốt công tác cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp và tinh giản biên chế, đồng thời tích cực thực hiện an sinh xã hội.

Thủ tướng đánh giá cao phương châm hành động của PVN là “quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”. Bên cạnh đó chỉ rõ những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Về các kiến nghị đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, có giải pháp kịp thời để xử lý triệt để tạo điều kiện thuận lợi cho PVN phát triển. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu PVN phải chủ động, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục những mặt còn tồn tại để đạt những kết quả tốt hơn nữa trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu chủ yếu của toàn ngành, bao gồm: Vận hành an toàn, ổn định và có hiệu quả các dự án, nhà máy, công trình dầu khí; Hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022 được duyệt; Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các Dự án trọng điểm về dầu khí; Tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí để duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh ngành công nghiệp khí, ngành dịch vụ dầu khí; Cơ bản hoàn thành việc xử lý các dự án khó khăn ngành dầu khí, không để thêm dự án, đơn vị nào rơi vào tình trạng khó khăn.

Các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các doanh nghiệp, luôn có các quyết định kịp thời, chính xác trong chỉ đạo và điều hành; tiếp tục đoàn kết, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động trong tập đoàn phát huy truyền thống quý báu của những người làm dầu khí, bằng sự nỗ lực, lòng yêu nghề, sự lao động sáng tạo và ý chí quyết tâm, đoàn kết, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra.

Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên