Giá xăng dầu điều chỉnh 7 ngày 1 lần: Không tính kỹ vẫn khó sát với giá thị trường
VOV.VN - Năng lực của cơ quan quản lý trong thời gian 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến vấn đề hạch toán và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện, xây dựng Dự thảo Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điểm mới của Dự thảo Tờ trình lần này là rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, cố định vào ngày thứ Năm hàng tuần không kể ngày nghỉ lễ (trừ trong 3 ngày Tết Nguyên đán sẽ được điều chỉnh vào ngày mùng 4 Tết).
Theo Bộ Công Thương, việc rút ngắn thời gian điều hành nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu thế giới, tránh được những biến động lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc DN kinh doanh xăng dầu. Với đề xuất này, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động gần hơn với giá xăng dầu thế giới, nhất là khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các DN.
Bàn về quy định mới này, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu càng rút ngắn càng tốt, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và DN phải đáp ứng được yêu cầu. Thực tế vẫn còn nhiều DN đồng tình với thời gian điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp với khả năng nhập và bán hàng, đồng thời phù hợp với chỉ số giá của Tổng cục Thống kê.
“Năng lực của cơ quan quản lý trong thời gian 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến vấn đề hạch toán và chu kỳ kinh doanh của DN. Càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng có ưu điểm sát với giá thị trường. Nếu để thời gian xa quá (như trước kia là 30 ngày) sẽ rất bất cập vì nhiều khi giá thị trường thế giới đang lên, nhưng nếu tính bình quân giá bán trong nước lại giảm hoặc ngược lại, có thể giá thị trường thế giới đang xuống nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng”, TS Ngô Trí Long chỉ rõ.
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu ý kiến, khi thị trường xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nên rút ngắn thời gian điều hành xuống còn 5 - 7 ngày, không tính thời gian nghỉ lễ để giá xăng dầu trong nước luôn theo kịp giá thị trường thế giới.
“Đương nhiên việc tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài chính phải được rút ngắn hơn hiện nay. Không phải là 6 tháng tính toán 1 lần để đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí cho DN hoạt động, nếu vẫn cứ để DN thua lỗ kéo dài chắc chắn thị trường sẽ có nhiều xáo trộn”, ông Phú quả quyết.
Cũng tại Dự thảo Tờ trình lần này, Bộ Công Thương chọn phương án cho phép thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được lấy từ thương nhân phân phối xăng dầu khác. Đề xuất này nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối, nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt cho thương nhân phân phối, nhất là những thương nhân phân phối có địa bàn kinh doanh rộng khắp trên cả nước, có thể lựa chọn lấy hàng của 3 đơn vị cung cấp hàng tại 3 miền đất nước.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, quy định chỉ cho phép nhập hàng từ 1 đơn vị phân phối như các Nghị định hiện hành khiến thị trường xăng dầu chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh. Do đó, khi quy định không tạo được tính cạnh tranh, nếu gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường cần phải nghiên cứu, xem xét thay đổi cho phù hợp.
Đồng tình với quy định thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa 3 thương nhân đầu mối, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ, nới lỏng quy định này sẽ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, lại không làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều Bộ, ngành khác nhau. Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý.
PGS.TS Ngô Trí Long nêu rõ, hiện nay 1 lít xăng dầu có 6 - 7 Bộ quản lý, nên giao cho 1 Bộ chủ trì nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ khác. Bộ chủ trì phải được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính, nếu có biến động bất thường phải báo cáo lên Chính phủ. Cùng với đó, các Bộ, ngành có liên quan phải phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình với Bộ chủ trì trong phối hợp quản lý và điều hành mặt hàng xăng dầu.
Thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã thực hiện vai trò như 1 van điều tiết giá. Khi giá xăng dầu lên xuống ở biên độ thấp, Quỹ đã giúp kiềm chế giá không tăng ở mức quá cao. Chính vì thế, trong Dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn quyết định giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành. Sự tồn tại của Quỹ theo lý giải của Bộ Công Thương giúp Nhà nước duy trì được công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bàn về quản lý và sử dụng quỹ, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc duy trì quỹ tại các DN kinh doanh xăng dầu là phù hợp, giúp các DN duy trì và chủ động được nguồn kinh phí khi cần thiết. Rất cần duy trì Quỹ Bình ổn giá bởi hiện Nhà nước vẫn còn định giá xăng dầu, chỉ nên bỏ Quỹ khi nào Nhà nước để xăng dầu cho thị trường tự quyết định.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú vẫn giữ quan điểm nên chuyển Quỹ Bình ổn xăng dầu từ tiền sang hiện vật, tức là tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia. Bởi thực tế Quỹ này chỉ phát huy tác dụng khi biến động giá xăng dầu ở biên độ thấp, nếu giá xăng dầu lên quá cao như thời điểm năm 2022, Quỹ này không có nhiều tác dụng.
Trong khi đó, nếu có được nguồn dự trữ xăng dầu dài hạn hơn từ 3 - 6 tháng, Nhà nước sẽ luôn có được công cụ điều tiết thị trường tốt hơn mỗi khi thị trường xăng dầu có biến động mạnh./.