Giá xăng dầu hôm nay: Lao dốc xuống dưới 80 USD/thùng
VOV.VN - Giá xăng dầu đã lao dốc không phanh xuống dưới mức 80 USD/thùng bởi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ.
Giá dầu thế giới vào sáng ngày 5/2 (theo giờ Việt Nam) đang ở mức - giá dầu thô WTI giảm 2,85 USD, xuống mức 73,24 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 2,3 USD, xuống mức 79,85 USD/thùng.
So với trước đó 3 tuần, giá dầu Brent đã ghi nhận mức giảm 7,8% trong tuần này trong khi WTI giảm 7,9%.
Giá dầu hôm nay tiếp đà sụt giảm trong bối cảnh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ gia tăng khi Fed và ECB tăng lãi suất.
Giữa tuần, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giảm quy mô tăng lãi suất, với mức tăng chỉ 1/4 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 75 điểm cơ bản trong 4 lần liên tiếp năm 2022 và 0,5 điểm phần trăm hồi tháng trước.
Giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất có thể giúp các ngân hàng trung ương đạt mục tiêu hạ nhiệt lạm phát nhưng ở chiều hướng ngược lại, nó cũng tạo áp lực không nhỏ đối với các hoạt động kinh tế, làm chậm quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo những dữ liệu gần đây thì triển vọng này vẫn khá mờ nhạt.
Priyanka Sachdeva - nhà phân tích thị trường tại Phillip Nova cho biết, việc tăng lãi suất vào năm 2023 có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và Châu Âu, làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế, có khả năng làm giảm nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Trước đó, ngày 3/2, Mỹ, EU, nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) và Úc đã đồng ý thiết lập 2 mức giá đối với các sản phẩm dầu của Nga. Các mức giá trần này có hiệu lực từ ngày 5/2.
Cụ thể, các quốc gia trên sẽ áp giá trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm tinh chế của Nga, bao gồm dầu diesel và dầu hỏa; 45 USD/thùng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức chiết khấu.
Thuỵ Điển - nước Chủ tịch luân phiên của EU hiện nay khẳng định, đây là một thỏa thuận quan trọng và là một phần trong các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép lên của Nga trong bối cảnh xung đột tại Ukraine.
Trước đó, ngày 1/2, Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc./.