Giải cứu nông sản và vai trò rất lớn của mô hình hợp tác xã
VOV.VN - Khi mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả sẽ định hướng sản xuất, triệt tiêu những khâu trung gian đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Chia sẻ kinh nghiệm về bản chất, vai trò của hợp tác xã của Đức ở một cuộc hội thảo diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Christian Staacke, Phó giám đốc Dự án kinh tế nông nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức cho hay, kinh tế hợp tác xã của Đức được coi là bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế dân doanh.
Cụ thể là mô hình hợp tác xã ở Đức có vai trò quan trọng trong việc kết nối nhà sản xuất với thị trường, bao tiêu toàn bộ đầu vào và đầu ra, đảm bảo khâu tiêu thụ tốt nhất cho nhà sản xuất với giá cả hợp lý nhất. Do đó, các hợp tác xã ở Đức có vai trò trong việc thương thảo với nhà máy chế biến mức giá tốt nhất và sau đó sẽ mang hợp đồng giá trị tốt về cho nhà sản xuất.
Dưa hấu là mặt hàng thường rơi vào tình trạng được mùa mất giá dẫn đến ế ẩm. |
So sánh với mô hình hợp tác xã ở Việt Nam, ông Christian Staacke cho rằng, các xã viên trong hợp tác xã vẫn còn mang tư tưởng “kiểu cũ”, hoạt động theo kiểu bao cấp và hầu như không hào hứng, hoạt động một cách rời rạc và gần như không đủ sức để gắn kết các thành viên.
“Nhận thức của các thành viên hợp tác xã hầu như không thay đổi, họ vẫn có tư tưởng đi lên từ làng, vẫn duy trì mô hình hoạt động kiểu hợp tác xã cũ và không hề có đóng góp gì cho hợp tác xã về cả mặt ý tưởng cũng như tài chính. Do đó, mô hình hợp tác xã ở Việt Nam chưa tạo được động lực phát triển giống như các hợp tác xã ở Đức hiện nay”, ông Christian Staacke nêu quan điểm.
Các chuyên gia đến từ Đức cũng nhận xét về thực trạng nông sản được mùa rớt giá hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là thực trạng ế thừa nông sản liên tục xuất hiện và cho rằng, khi Việt Nam chưa thành công mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ rất khó giải quyết được những tồn tại dai dẳng này.
Bởi vì, khi hợp tác xã chưa đóng vai trò quy tụ các nhà sản xuất, chưa thể cam kết với người nông dân và nhà sản xuất để đảm bảo đầu ra ổn định, có giá cả hợp lý, có lợi ích cho người nông dân thì tình trạng ế thừa nông sản, nông sản bị thương lái ép giá diễn ra là hoàn toán tất yếu.
Thế nên, trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, hợp tác phải là người tìm hiểu thông tin, nắm bắt nhu cầu của thị trường để từ đó định hướng cho bà con nông dân nên sản xuất loại sản phẩm gì, số lượng bao nhiêu. Tiếp đó, hợp tác xã cũng chính là người đi thương thảo và ký kết các hợp đồng để đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân. Khi hoạt động của hợp tác xã phát huy được hiệu quả, lúc đó đương nhiên khâu trung gian – thương lái sẽ không còn chỗ đứng.
“Lâu nay ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại thực trạng, người nông dân khi thấy các thương lái trả giá cao một mặt hàng nào đó là lao vào sản xuất ồ ạt, trồng loại cây đó, nuôi loại con đó” ông Ulrich Werner, Đại diện Liên minh Hợp tác xã Đức (DGRV) nhận xét.
Đại diện DGRV cũng chỉ rõ, thực trạng được mùa rớt giá, nông sản ế thừa phải giải cứu thời gian qua tại Việt Nam còn bắt nguồn chính từ tư duy nóng vội, không theo quy hoạch, chiến lược sản xuất lâu dài. Do đó, bản thân người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất vững bền hơn là hưởng ngay mối lợi trước mắt./.
Vì sao phải “giải cứu” nông sản hai lần trong quý I?