Hoãn áp dụng tái xuất lúa mì lẫn cỏ nguy hại Cirsium Arvanse

VOV.VN - Cục BVTV quyết định lùi thời hạn áp dụng tái xuất đối với lúa mì nhiễm cỏ nguy hại Cirsium Arvanse (cỏ kế đồng) để tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Doanh nghiệp "khóc ròng"

Thiếu nguồn cung lúa mì cho sản xuất, lúa mì nhập khẩu đội giá, việc làm của công nhân lao động… và một loạt các khó khăn khác được doanh nghiệp than phiền nếu áp dụng tái xuất lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ Cirsium Arvanse.

Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì (Ảnh: Hồng Quang)

Theo bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì (TP. Hồ Chí Minh), nếu lúa mì nhập khẩu bị tái xuất sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp bởi mỗi lô hàng trị giá vài trăm tỷ đồng. Việc tái xuất sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.

"Đối với các lô lúa mì nhập khẩu, chúng tôi được phía đối tác xuất khẩu cung cấp giấy chứng nhận không nhiễm cỏ Cirsium Arvanse và khẳng định đây là “cỏ bình thường” và không thể tránh khỏi trong quá trình thu hoạch, nhưng về đến Việt Nam lại bị kiểm dịch, sàng lọc, kiểm soát rất chặt chẽ, bà Chi thắc mắc.

Còn ông Trần Đăng Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất kinh doanh lương thực Phước An (Bình Dương) cho rằng, việc tái xuất sẽ gây ra hệ lụy rất xấu đối với hoạt động của doanh nghiệp nhập khẩu.

Bởi lẽ trên thực tế, lúa mì nhập từ Brazil, Argentina, Kazakhstan mà không nhiễm cỏ Cirsium Arvanse là hàng cấp thấp chứ không phải hàng chất lượng cao. Mặt hàng này chỉ chiếm 20% trong cơ cấu lúa mì nhập khẩu của doanh nghiệp, dẫn tới không đảm bảo nguyên liệu sản xuất.

“Khi đàm phán với các nhà xuất khẩu về việc đảm bảo sạch cỏ Cirsium Arvanse thì không đối tác nào đồng ý cung cấp. Đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn cung cấp nào đảm bảo điều kiện sạch cỏ,” ông Tiến bộc bạch.

Nếu áp dụng tái xuất, các nhà máy bột mì sẽ khó có khả năng tồn tại, tác động trực tiếp đến hoạt động của nhà máy, trang thiết bị sản xuất (suất đầu tư cỡ 100 tỷ đồng), sau đó là việc làm của công nhân lao động bị ảnh hưởng.

Ông Tiến phân tích, nếu quay nhập bột mì thay thế lúa mì, thì kim ngạch nhập khẩu rất lớn bởi nếu bình quân nhập 5 triệu tấn lúa mì thì ước tính giá trị khoảng 1,3-1,4 tỷ USD, nhưng nhập bột mì thì kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng thêm cả tỷ USD nữa.

Giữ lợi ích quốc gia

TS. Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Ảnh: Hồng Quang)
Theo TS. Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, các nước trên thế giới rất lo ngại khi quản lý sinh vật ngoại lai, trong khi đó cỏ Cirsium Arvanse là đối tượng kiểm dịch, khi vào Việt Nam, hậu quả của loại cỏ này đến nền nông nghiệp là vô cùng lớn, tác động đến trên 50 triệu nông dân, nhiều ngành hàng nông nghiệp. Nguy cơ các nước đóng sập cánh cửa nhập khẩu nông sản Việt Nam do nhiễm cỏ Cirsium Arvanse là hiện hữu.

Ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục trưởng kiểm dịch thực vật vùng II cho rằng, tính nguy hại của cỏ Cirsium Arvanse đến nông sản Việt Nam là rất lớn. Đơn cử, trong vài chục nghìn lô nông sản Việt Nam xuất đi EU, chỉ cần EU phát hiện 5 lô có dịch hại (như bọ phấn, bọ trĩ, ròi đục lá… vốn rất phổ biến ở Việt Nam) thì ngay lập tức cánh cửa nông sản Việt Nam vào EU sẽ bị đóng sập.

Trong bối cảnh các nước thắt chặt các quy định kiểm dịch nông sản nhập khẩu, ông Hoàng khuyến cáo, xử lý lúa mì nhập khẩu cỏ Cirsium Arvanse cần xem xét trên bình diện lợi ích quốc gia, vì đơn cử chỉ cần 1 hạt gạo Việt Nam xuất đi Trung Quốc hay Mỹ mà lẫn hạt cỏ ngay lập tức họ cho tái xuất.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ nguy hại Cirsium Arvanse là đáng báo động. Trong hơn 4 triệu tấn lúa mì nhập về Việt Nam từ đầu năm đến nay, đã có 1,6 triệu tấn bị nhiễm cỏ Cirsium Arvanse. Tình hình chẳng những không cải thiện mà còn có xu hướng tăng.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV: Xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ Cirsium Arvanse cần phải hướng đến lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của nền nông nghiệp, của 60 triệu người làm nông nghiệp (Ảnh: Hồng Quang)

Việc các nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận kiểm định thực vật đối với lúa mì xuất sang Việt Nam chỉ 1 điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam. Theo Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật thì không vì lô hàng đó có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật mà có thể bỏ qua quyền kiểm tra của Việt Nam.

Do vậy, việc kiểm dịch lúa mì nhập khẩu chứa cỏ Cirsium Arvanse là đúng quy trình, quy định của pháp luật (Thông tư số 35/2015/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch thực vật nội địa).

Từ khi phát hiện lúa mì nhập khẩu có chứa cỏ Cirsium Arvanse vào tháng 5/2018, Cục BTVT đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu bằng việc hỗ trợ kiểm dịch những lô hàng nhiễm loại cỏ này.

Ông Trung cho biết, thực tế các nước không ai hỗ trợ như vậy mà chỉ có Việt Nam, bởi cỏ Cirsium Arvanse thuộc diện kiểm dịch nhóm 1 - các loài cỏ gây hại nguy hiểm. Nếu theo thông lệ quốc tế, nếu hàng hóa chứa thực vật thuộc diện kiểm dịch nhóm 1 sẽ buộc phải tái xuất ngay.

Ông Trung khẳng định, Cục BVTV cam kết tạo điều kiện tối đa cho xuất và nhập khẩu nông sản. Tuy nhiên, đối với vấn đề xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ Cirsium Arvanse cần phải nhìn nhận lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của nền nông nghiệp, của 60 triệu người làm nông nghiệp, và số phận của các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp nhập khẩu và công hàm của phía Nga và Mỹ và để tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Cục BVTV sẽ chưa áp dụng biện pháp tái xuất đối với các lô lúa mì nhập khẩu có nhiễm cỏ Cirsium Arvanse từ ngày 1/11/2018.

Phía Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi công văn đề nghị lùi thời hạn áp dụng tái xuất lúa mì nhập khẩu chứa cỏ Cirsium Arvanse. 

Thời điểm áp dụng sẽ được lùi lại và thông báo tới doanh nghiệp trước 2 tháng sau khi phía cơ quan chức năng Việt Nam có đàm phán với các nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu 3 bên không đi đến giải pháp có thể chấp nhận được thì việc áp dụng tái xuất là chắc chắn. Bởi đây là quy định pháp luật cần phải thực hiện để ngăn chặn và phòng tránh những hệ lụy xấu từ cỏ Cirsium Arvanse.

Theo Cục BVTV, cỏ kế đồng là loài cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng (ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, các loại dưa, cải bắp, cà rốt, bầu bí, cà chu, khoai tây, cà, nho….), xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. 

Nhiều nước như Úc, Braxin, Argentina, Hàn Quốc… xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho chúng xâm nhập, lây lan theo hàng hoá nhập khẩu vào trong nước.

Tại Mỹ, hàng năm loài cỏ này làm giảm năng suất, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế hàng chục triệu USD và mất thêm hàng chục triệu USD chi phí phòng trừ loại cỏ này. Ngoài ra, do loài cỏ này nên nhiều quốc gia hạn chế nhập khẩu các nông sản có nguy cơ nhiễm cỏ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc
Tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc

VOV.VN -Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc.

Tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc

Tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc

VOV.VN -Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tạm dừng nhập khẩu lúa mì từ Ukraine do bị nhiễm mọt thóc.

Đau đầu xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium
Đau đầu xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium

VOV.VN - Phải có giải pháp xử lý mạnh tay đối với lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium, nếu không sẽ gây hệ lụy lớn đến ngành nông nghiệp.

Đau đầu xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium

Đau đầu xử lý lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium

VOV.VN - Phải có giải pháp xử lý mạnh tay đối với lúa mì nhập khẩu chứa cỏ nguy hại Cirsium, nếu không sẽ gây hệ lụy lớn đến ngành nông nghiệp.