Lần thứ 2 trong năm, người nuôi heo Đồng Nai điêu đứng
VOV.VN - Những ngày qua, vùng chăn nuôi heo (lợn) lớn nhất tỉnh Đồng Nai là huyện Thống Nhất một lần nữa rơi vào bầu không khí u ám vì giá heo lao dốc.
Từ đầu năm tới nay, người nuôi heo (lợn) ở Đồng Nai đã phải “vật lộn” với giá heo thấp kỷ lục, càng nuôi càng lỗ. Đến khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc trở lại thì lần thứ 2 trong năm, người chăn nuôi nhận thêm một “đòn” giáng mạnh khi giá heo quay đầu giảm sau vụ heo tiêm thuốc an thần.
Giá heo hơi ở Đồng Nai hiện đang ở mức thấp, heo loại 1 mới được giá 29.000 đồng/kg, còn loại thường chỉ 24.000 đến 25.000 đồng/kg. Thời điểm trước tháng 9, giá heo đã bắt đầu nhích lên hơn 30.000 đồng/kg sau gần một năm trời thấp kỷ lục, nhiều chủ trang trại khấp khởi hi vọng giá tiếp tục lên, bán có lãi để bù lại thời gian dài thua lỗ. Thế nhưng vụ bê bối 4.000 con heo tiêm thuốc an thần ở TP HCM đã khiến giá heo giảm sâu về gần mức thấp kỷ lục trước đó.
Trại heo của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) có 20 con heo thịt đã đến ngày xuất chuồng. Thế nhưng, chị gọi mãi mà thương lái chẳng đến mua. Chưa kể nếu có đến mua, thì họ cũng chỉ chọn ít một, không gom hàng một lượt như thông thường.
Người chăn nuôi lại điêu đứng vì giá heo |
Mấy chục năm gắn bó với nghề nuôi heo, chị Thúy chấp nhận thua lỗ suốt thời gian từ đầu năm tới giờ, gắng gượng duy trì đàn chờ ngày giá heo khởi sắc. Nhưng giá lên chưa được bao nhiêu thì lại quay đầu giảm. Thay vì cám viên, cám trộn, chị Thúy đã phải cho đàn heo ăn cầm chừng bằng bột bắp.
Chị Thúy chia sẻ: "Hiện tại kinh tế của gia đình tôi đang bị ảnh hưởng rất nhiều do giá heo xuống. Tiền nợ thì dâng lên, cám cho heo bây giờ đang phải chạy từng bữa, chứ không đủ khả năng mà cho heo nó ăn như hồi trước là cứ đổ đầy máng".
Giảm 30 đến 40% tổng số đàn nái gần 180 con là cách làm của anh Nguyễn Đức Long (huyện Thống Nhất) để giảm chi phí, cố gắng cầm cự với nghề. Mỗi con heo xuất chuồng, anh Long lỗ 500.000 - 700.000 đồng. Theo anh Long, dự báo giá thấp còn duy trì thời gian tới nên giảm đàn là giải pháp tốt nhất để giảm lỗ.
"Nếu như heo mà giá tốt như mọi năm thì có thể tôi còn tăng đàn nhưng bây giờ mình phải giảm đàn. Hiện tại bây giờ trại nái của tôi đã phải giảm 30 - 40%, có thể sau này còn phải giảm thêm nữa nếu theo tình hình giá như vậy" - anh Long bày tỏ.
Để nuôi được 1kg heo thịt, người nuôi phải bỏ ra chi phí từ 35.000 đồng đến 38.000 đồng, với giá thấp như hiện nay thì càng nuôi càng lỗ. Nếu heo đến tuổi xuất chuồng mà không bán được, chi phí thức ăn, công chăm sóc, thuốc thú y... lại càng đè nặng lên vai người nuôi. Mối nguy treo chuồng, phá sản lại treo lơ lửng trên đầu nông dân, từ trang trại lớn cho đến nông hộ nhỏ lẻ. Thực tế là trước đó, nhiều người ở Đồng Nai đã phải bán chuồng, bán cả nhà cả đất vì nghiệp heo.
Nếu như lần giảm giá kỷ lục cách đây vài tháng nguyên nhân chủ yếu là do “cung” vượt “cầu” khi tổng đàn heo vượt quá con số dự báo, thì lần này, lò mổ lớn nhất TP HCM bị đóng cửa sau bê bối và tâm lý người tiêu dùng lo ngại chất lượng thịt heo đã khiến con heo Đồng Nai bị mang tiếng oan. Hậu quả nặng nề nhất lại là người chăn nuôi phải gánh.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận: "Con heo trong giai đoạn này đang bị khủng hoảng rất nghiêm trọng do đầu ra rất khó, giá thì thua lỗ rất lớn. Việc thua lỗ kéo dài hơn một năm nay là khó khăn vô cùng lớn cho người chăn nuôi. Vì vậy, phải có giải pháp thật sớm để giải quyết vấn đề này".
Cũng theo người đại diện cho Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nếu cơ quan chức năng tiếp tục không có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn, thì sẽ có thêm một lượng lớn trang trại không thể vượt qua “cú sốc giá” lần này.
Càng nuôi càng lỗ đã là điệp khúc quen thuộc ở vùng chăn nuôi huyện Thống Nhất. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, họ đã phải gánh chịu 2 “cú sốc giá” nặng nề khó gượng dậy. Một viễn cảnh không hề tươi sáng chút nào đối với nghề nuôi heo, sinh kế của hàng ngàn con người tại Đồng Nai./.
Người chăn nuôi lợn ở Tiền Giang, Bến Tre lỗ trên 300.000 đồng/tạ