Long An tìm kiếm cơ hội mới cho trái thanh long hữu cơ
VOV.VN - Trước những khó khăn trong việc xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Trung Quốc, nôn dân Long An tiếp tục đẩy mạnh canh tác thanh long chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã vùng trồng, ghi nhãn hiệu.
Đồng thời, cả ngành chức năng và nông dân xác định, đã đến lúc phải làm nông nghiệp hữu cơ, phải vào được các thị trường khó tính để dần chủ động trong khâu tiêu thụ. Người trồng thanh long xem đây là một cơ hội phải nắm lấy.
Trồng thanh long hữu cơ vẫn còn gặp khó
Sau hơn 2 năm đeo đuổi, ông Trần Văn Thanh ở xã Quê Mỹ Thạnh, Tân Trụ, Long An đã chuyển đổi toàn bộ 4ha thanh long phổ thông sang thanh long hữu cơ. Nhờ đó, thời gian gần đây, khi nhiều nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ thì sản phẩm của ông vẫn vào được thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ...
Theo ông Thanh, nông dân cũng biết là trồng thanh long hữu cơ sẽ có cơ hội tìm được thị trường mới nhưng thực hiện thì không hề đơn giản. Hiện nay, giá phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao, hàm lượng thuốc công bố trên nhãn hiệu cũng không chính xác và có độ trễ về thời gian nên nếu không cẩn thận thì đến lúc thu hoạch trái thanh long sẽ không đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc HTX Vạn Thành, huyện Châu Thành, một HTX hiện có 100 ha thanh long hữu cơ cũng thừa nhận chính những thông tin của các sản phẩm bảo vệ thực vật chưa chính xác đang gây khó cho nông dân.
"Khắt khe nhất là phải làm cách ly trái không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long, đôi lúc nhà sản xuất thuốc không để đúng thời gian cách ly trên nhãn hiệu thuốc. Nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ghi 15 ngày thì hết thuốc nhưng thực chất đến 20 ngày mới hết. Mình neo trái cây lại vài ngày thì cũng hết, nhưng mà trái cây mà neo lại mấy ngày thì việc xuất khẩu cũng gặp bất lợi" - ông Thành nhấn mạnh.
Giá thành sản phẩm cũng là một khó khăn nữa của người làm thanh long hữu cơ. Ông Lê Văn Chín Nhỏ, ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng 1.900 trụ thanh long hữu cơ ruột đỏ hơn 4 năm nay. Vườn thanh long của ông phát triển tốt, cho trái to, màu chín đỏ, đẹp, tai xanh.
Hiện sản phẩm thanh long hữu cơ của ông Chín Nhỏ được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu với giá trung bình 15.000 – 25.000 đồng/kg. Giá thành này có thể chỉ đủ chi phí sản xuất, không lợi nhuận nhưng ông Chín Nhỏ vẫn quyết tâm bám trụ với thanh long hữu cơ để tìm cơ hội mới và cũng là theo kịp xu thế sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo ông Chín Nhỏ: "2 năm về trước, nguồn thu nhập thanh long rất là tốt, nhiều đợt trúng 700 - 800 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng là bình thường. Đến năm nay, lỗ lại mấy trăm rồi, nhưng dù sao thì không thể dùng phân bón tầm bậy được. Vì sài đồ sạch sản lượng trái tốt hơn, giữ môi trường không bị ô nhiễm".
Cả huyện Châu Thành hiện có hơn 9.100 ha thanh long mà mới chỉ có 4 hộ trồng thanh long hữu cơ với 2,5 ha. Một số nông dân chưa hài lòng với giá theo hợp đồng của công ty bao tiêu nên một lượng thanh long hữu cơ đang bán trôi nổi. Các công ty bao tiêu giá thanh long trung bình 15.000- 25.000 đồng/kg, tương đương giá thanh long bình thường ngoài thị trường và đặt hàng tùy thời điểm trong năm với số lượng có hạn... khiến nhiều bà con chưa thiết tha trồng thanh long hữu cơ.
Trồng thanh long hữu cơ mở rộng cơ hội xuất khẩu
Tỉnh Long An, hiện tỉnh có khoảng 12.000 ha thanh long, trong đó có gần 2.100 ha trồng chuẩn VietGAP. Hiện thị trường loại trái cây này đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt, nếu muốn bán được thì chất lượng trái phải tốt hơn và thanh long hữu cơ là hướng đi tất yếu. Ngành chức năng và các địa phương có diện tích thanh long sẽ khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi biện pháp canh tác, để đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính trên thế giới, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng trái thanh long là vấn đề đòi hỏi của sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, các địa phương cần thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng, giá trị cây thanh long.
"Trước đây chúng ta hay nhận định Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất thì nay cũng đã yêu cầu về chất lượng cao hơn. Trên cơ sở đó thì Long An đang định hướng nâng chất lượng lên để đáp ứng yêu cầu của thị trường này. Mặt khác hướng tới phục vụ thị trường trong nước, và đặc biệt là phục vụ thị trường cho các nước phát triển" - ông Thanh chia sẻ.
Hướng tới sản xuất bền vững cây thanh long không chỉ xây dựng những vùng sản xuất lớn, chú trọng sản lượng mà còn phải quan tâm về chất lượng. Để trái thanh long có chỗ đứng trên thị trường và dần làm hài lòng những đối tác khắt khe... tỉnh Long An tạm thời không mở rộng diện tích trồng thanh long mà tập trung giúp người nông dân chuyển đổi, hướng đến cây thanh long hữu cơ, nâng chất sản phẩm từ thanh long./.