Lương thực, thực phẩm có bị thiếu hụt do ảnh hưởng dịch virus corona?
VOV.VN - Lượng rau củ quả, thực phẩm, lương thực tại các siêu thị dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá bán ổn định kể cả thời điểm sức mua tăng đột biến.
Những ngày qua, có thông tin phản ánh tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM xuất hiện tình trạng thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như rau xanh, thực phẩm, lương thực do lượng cầu tiêu dùng của người dân quá lớn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch hô hấp cấp do virus corona đang có diễn biến phức tạp đã tạo ra tâm lý hoang mang, làm nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Thực tế khảo sát tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội như Vinmart, Hapro, BigC…sáng 5/2 cho thấy, lượng hàng hóa cung ứng, bày bán dồi dào và phong phú, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu như rau xanh, thực phẩm, hải sản, lương thực… đều được các siêu thị bày kín trên các kệ hàng, nhu cầu mua của người dân tại thời điểm 10h00 sáng không cao, giá bán các mặt hàng ổn định so với trước và trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Anh Nghĩa, Giám đốc siêu thị Vinmart Liễu Giai. |
Tại siêu thị VinMart - Vincom Center Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), bà Hoàng Ánh Dương 68 tuổi, nhà ở Ngọc Khánh, Ba Đình đang mua rau cho biết, bà đến siêu thị từ ngày mùng 2 Tết Canh Tý đến nay, hàng hóa bà mua chủ yếu là rau củ quả, thực phẩm, sữa và một số loại vật phẩm thiết yếu khác.
"Từ khi có siêu thị này, chưa khi nào tôi thấy hàng hóa ở đây bị thiếu. Ngày nào tôi cũng qua đây mua rau, củ quả, thịt cá… để không phải lưu trữ và thấy hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng và giá bán cũng rất ổn định", bà Dương nhận xét.
Ông Nguyễn Anh Nghĩa, Giám đốc siêu thị Vinmart Liễu Giai cho biết, siêu thị luôn đảm bảo nguồn cung về rau, củ quả cũng như tất cả các mặt hàng thiết yếu khác cho người tiêu dùng. Hiện nay, sức tiêu dùng của người dân hoàn toàn bình thường, chưa có bất cứ hiện tượng gom hay găm hàng hóa. Duy nhất chỉ có một thay đổi nhỏ, đó là thói quen mua sắm của người dân. So với thời điểm trước Tết, thời điểm này người dân đến mua sắm và kết thúc giờ mua sắm sớm hơn trước.
"Trước kia người dân thường tập trung mua sắm vào buổi trưa, tầm từ 11h00 – 12h30, tuy nhiên hiện nay người dân thường mua sắm và kết thúc sớm từ 9h00 – 10h30. Buổi chiều khách thường mua sắm từ 16h00 cho đến 17h30, không muộn hơn trước", ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hàng hóa cũng như việc thay đổi thói quen mua sắm của người dân, siêu thị đã có ứng báo trước. Các nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị cũng đã cam kết đảm bảo hàng hóa, vì thế siêu thị Vinmart không lo hàng hóa bị thiếu hụt trong những thời gian cao điểm. Giữa siêu thị và các nhà cung cấp đã có những cam kết và các nhà cung cấp đã chuẩn bị trước lịch sản xuất nên việc đáp ứng và giao hàng hóa không hề gặp khó khăn.
Đánh giá cao chủ trương bình ổn giá các loại hàng hóa thiết yếu, ông Nghĩa cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Thực hiện đúng chủ trương này, hệ thống Vinmart đã thực hiện việc bình ổn giá trong tất cả các khoảng thời gian được cho là cao điểm, siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán, không thay đổi so với thị trường.
Ông Nghĩa cũng khuyến cáo, người tiêu dùng bất cứ trong tình huống nào cũng cần phải bình tĩnh và thông thái. Các đơn vị bán hàng luôn có dự phòng hàng hóa từ trước, vì thế trong bất cứ thời điểm nào cũng không có sự khan hiếm về hàng hóa nên người dân yên tâm.
Ông Trịnh Văn Linh, quản lý siêu thị Vinmart Cầu Giấy cũng cho biết, lượng hàng hóa thiết yếu tại siêu thị những ngày qua không có biến động lớn. Lượng mua sắm của người dân có phần đông hơn vào những thời điểm giữa buổi sáng và gần cuối buổi chiều. Siêu thị luôn có nguồn hàng dồi dào và ổn định trong bất cứ thời điểm nào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
"Các nhà cung cấp luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho siêu thị Vinmart với chất lượng cao nhất cũng như giá bản ổn định. Chính vì thế, siêu thị cũng luôn đảm bảo chủ động được nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân với giá bình ổn theo quy định, không có hiện tượng tăng giá do nhu cầu tăng và bất cứ khi nào sản phẩm giảm chất lượng sẽ được siêu thị tiêu hủy ngay để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người dân", ông Bình nói.
Lượng hàng hóa tại các siêu thị đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. |
Khẳng định tính tích cực trong việc chuẩn bị cũng như việc giữ ổn định giá cả hàng hóa của các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước những thông tin về sự khan hiếm hàng hóa tại một số siêu thị tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội đi kiểm tra một loạt các hệ thống siêu thị để nắm bắt tình hình, đảm bảo tốt nhất nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian dịch bệnh nCOV đang có diễn biến phức tạp và trong những thời gian tiếp theo.
Theo ông Tuấn, thời điểm này có thể khẳng định, lượng hàng hóa tại các siêu thị luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Để đảm bảo tốt hơn nữa việc cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị lượng hàng hóa, xây dựng kế hoạch dự trữ và đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa trong siêu thị cũng như các hệ thống chợ dân sinh.
"Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước giao các Sở Công Thương là đầu mối, phối hợp với các Sở NN&PTNT cũng như các cơ quan quản lý tại các địa phương chuẩn bị tốt lượng cung hàng hóa cũng như có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Trong thời điểm hiện nay, hơn lúc nào hết người tiêu dùng cần bình tĩnh, sáng suốt và hết sức tin tưởng vào việc điều hành, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngàng hàng, các siêu thị nhằm góp phần làm ổn định thị trường", ông Tuấn khẳng định./.