Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội nghỉ bán, "mỏi mắt" chờ hàng về
VOV.VN - Một số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội sáng 1/11 ở trong tình trạng hết xăng còn dầu, thậm chí có cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu nên không thể phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo lịch điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ chiều nay (1/11), giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày. Rất xa trước giờ điều chỉnh giá, ngay từ chiều hôm qua (31/10) cho đến sáng và trưa nay (1/11) tại Hà Nội, nhiều cửa hàng xăng dầu đã phải nghỉ bán hàng toàn bộ, hoặc nghỉ bán xăng chỉ bán dầu vì nguồn cung thiếu hụt gây khó khăn cho người dân có nhu cầu.
Đơn cử, tại cửa hàng xăng dầu Nam Triệu 03, thuộc hệ thống phân phối của Công ty CP Xăng dầu Hưng Yên, địa chỉ tại 17 - 19 phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội từ đầu giờ sáng 1/11 đã dựng biển “Hết xăng – còn dầu”. Nhân viên cửa hàng cho biết, mới nhận ca sáng nên chưa nắm được thời gian nào nguồn xăng sẽ được cấp phát trở lại, hiện cửa hàng chỉ phục vụ bán dầu diezel.
Trao đổi với phụ trách cửa hàng này qua điện thoại PV được biết, nguồn xăng tại cửa hàng đã hết từ đêm 31/10 và hiện tại vẫn chưa được cung cấp. Phụ trách cửa hàng cho biết, tình trạng nguồn xăng dầu (nhất là xăng) thường xuyên thiếu hụt trong thời gian gần đây, đặt cửa hàng vào tình cảnh nhiều thời điểm phải nghỉ bán hoặc chỉ còn dầu để phục vụ người dân.
Theo phụ trách cửa hàng, lượng xăng dầu thiếu từ đầu mối nên thời gian gần đây không được cấp phát đầy đủ theo nhu cầu của cửa hàng. Chính vì vậy, khi được đơn vị đầu mối thông báo nguồn hàng về chậm, cửa hàng đều có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan quản lý thị trường Hà Nội về tình trạng kể trên. Bất cứ khi nào có hàng nhập về, cửa hàng sẽ liên tục phục vụ người dân có nhu cầu, không giới hạn số lượng.
“Nhiều cửa hàng trong khu vực cũng lâm vào tình trạng hết xăng hoặc dầu nên lượng người mua đến cửa hàng tăng đột biến, càng rút ngắn khả năng phục vụ của cửa hàng. Bởi với lượng xăng được phân phối theo mức cố định, không thể được đáp ứng theo nhu cầu thường xuyên, liên tục nên càng nhiều người mua thì cửa hàng càng nhanh cạn xăng hoặc dầu. Dự tính với lượng tiêu dùng như hiện nay, mỗi ngày cửa hàng phải cần khoảng 30 - 50m3 xăng, dầu mới đáp ứng đủ nhu cầu người mua để hoạt động không bị gián đoạn”, phụ trách cửa hàng cho biết.
Sáng nay, cửa hàng xăng dầu Tam Đa của Công ty CP Xăng dầu HFC tại 249 Thụy Khuê dù vẫn hoạt động bình thường, nhưng lượng người mua xăng rất đông. Trong khi cửa hàng này có 4 cây bơm xăng, dầu nhưng chỉ có 2 cây bán xăng cho xe máy, 1 cây bán xăng, dầu cho ô tô nên người đi xe máy phải xếp hàng 2, hàng 3 để chờ đến lượt. Ô tô phải quay đầu, lùi xe vào mua trong giờ cao điểm buổi sáng nên có lúc gây ra ùn ứ giao thông ở mức độ nhẹ.
Chị Hoàng Thị Nhung, nhà ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội cho biết, do làm việc tại Cầu Giấy nên hàng ngày đi - về qua phố Thụy Khuê và thường mua xăng tại các cửa hàng xăng dầu trên con phố này. Tuy nhiên, sáng nay khi qua cửa hàng xăng dầu Nam Triệu 03 không còn xăng nên phải đến cửa hàng Tam Đa mua xăng. “Chưa khi nào mua xăng vất vả như hiện nay, hàng đoàn người và xe phải xếp hàng từ 10 - 15 phút mới mua được xăng rất mất thời gian và cảm giác không thể thoải mái”, chị Nhung cho biết.
Theo một số bác lái xe ôm quanh khu vực cửa hàng này cho biết, cửa hàng này thời gian gần đây thường xuyên có tình trạng hết xăng hoặc dầu phải nghỉ bán hàng trong thời gian khá dài. Có hôm cửa hàng nghỉ chờ nhập hàng kéo dài suốt cả 1 buổi chiều.
Tương tự, tại Cửa hàng xăng dầu Cống Vị (114 Đốc Ngữ, Ba Đình) cũng thuộc Công ty CP Xăng dầu HFC, dù sáng nay vẫn mở cửa bán hàng song chỉ có 1 nhân viên phục vụ bán xăng cho xe máy trong khi vẫn còn 1 luồng khác phục vụ bán xăng cho ô tô. Lượng người xếp hàng cũng rất đông và rất lâu mới đến lượt được phục vụ. Người dân tại khu vực cửa hàng cũng cho biết, cửa hàng vẫn hay phải đóng cửa nghỉ bán trong thời gian nhập hàng, thường thời gian nghỉ bán nhập hàng rơi vào cuối giờ sáng hoặc sau giờ nghỉ trưa đến chiều mới hoạt động trở lại.
Cửa hàng xăng dầu 48 Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) sáng nay cũng dựng rào chắn kèm biển nghỉ bán hàng. Nhân viên cửa hàng cho biết, hiện xe bồn cung cấp nguồn xăng cho cửa hàng còn đang ở Hải Phòng nên phải chiều hoặc tối hàng mới có.
Một cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội) sáng nay cũng nghỉ bán cả xăng lẫn dầu. Nhân viên tại đây cho biết, nguồn xăng cấp cho cửa hàng đã hết từ đêm qua, sáng nay lượng dầu cũng hết và cửa hàng đang phải đợi nguồn cung từ đầu mối cung cấp.
Có thể thấy, tình trạng các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước hoạt động cầm chừng thời gian qua có nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung từ đầu mối. Thực tế theo dõi hoạt động của các cửa hàng xăng dầu cho thấy, chưa phát hiện có tình trạng găm giữ hàng hóa, hạn chế bán hàng do lo ngại thua lỗ hay có mục đích đầu cơ.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đặc biệt tại thời điểm đầu tháng 10 cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 DN đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy sản xuất tiếp, các DN nhập khẩu trong kỳ theo kế hoạch.
Còn trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 (ngày 29/10) vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh là do nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Gần đây có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các cửa hàng bản lẻ xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng…nguyên nhân chính là do nguồn cung không ổn định.
“Giá biến động lớn, phức tạp, các DN kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, thua lỗ liên tục nên đã phải cắt giảm các chi phí kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh, cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.
Để đảm bảo kịp thời nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã thực hiện một loạt các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong đó, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện về việc thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố trong giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu bảo đảm phục vụ người dân và DN.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu; khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.