Nhiều rào cản phát triển thị trường đất nông nghiệp
VOV.VN - Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất vẫn khá chậm; vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 0,5ha.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu về ảnh hưởng của rào cản thể chế tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn) cho biết, theo Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI), tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 0,27ha/người tại Thái Lan.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn, chuyên gia từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ảnh: Hồng Quang) |
Ngoài ra, tỷ lệ mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân còn ở mức khá cao, đặc biệt là tỷ lệ mảnh đất trồng cây hàng năm, ở mức 3,1 mảnh đất/hộ.
Do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp ở Việt Nam bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún. Dù đã triển khai được một vài năm qua, nhưng quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất vẫn khá chậm, hiện vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha.
“Đây là rào cản lớn để phát triển nông nghiệp, làm tăng chi phí giao dịch thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất,” bà Nhàn nhận định.
Hiện còn tồn tại khá nhiều bất cập trong phát triển thị trường đất nông nghiệp, nhất là quy hoạch, số liệu thống kê không sát thực tế. Dù các địa phương có số liệu thống kê, quy hoạch “cứng” hàng năm cho từng loại đất, loại cây, nhưng trên thực tế diện tích trồng cây công nghiệp, cây ăn quả xâm lấn trong đất rừng là khá nhiều. Việc phân giới cắm mốc, hồ sơ đất đai ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu và yếu, gây cản trở không ít đến phát triển thị trường đất nông nghiệp.
Dẫn chứng số liệu điều tra 3.700 hộ tại 12 tỉnh/thành trên cả nước (từ năm 2012-2016) trong Bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS), bà Nhàn nhấn mạnh, tỉ lệ hộ các hộ mua bán, trao đổi, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt đất canh tác hàng năm còn rất hạn chế, chỉ khoảng 10%.
Thực trạng này là do một loại các vướng mắc trong cơ chế chính sách. Bà Nhàn nêu, Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định chỉ thực hiện chuyển quyền sử dụng đất giữa nông dân với nông dân trong cùng xã, phường, thị trấn hay yêu cầu lấy xác nhận của hộ liền kề khi chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp dù đất đó không có tranh chấp… là những rào cản lớn đối với thị trường giao dịch đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hình thức cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp dù đã phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Bà Nhàn cho rằng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi trực tiếp đặt vấn đề thuê đất với các hộ dân, bởi số lượng hộ dân thường đông trong khi diện tích đất mảnh thì manh mún, dẫn tới chi phí giao dịch cao. Trong khi đó, việc doanh nghiệp thuê lại đất của Nhà nước cũng khó khăn, bởi quỹ đất công ngày càng khan hiếm.
Thời gian gần đây, đã xuất hiện hình thức mới là Nhà nước thuê đất nông nghiệp của dân, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại như cách mà Hà Nam và Lâm Đồng đang làm. Tuy nhiên, hiện đang thiếu quy định pháp lý trong áp dụng hình thức này, bà Nhàn cho hay.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, quá trình triển khai dồn điền đổi thửa tại Hà Nam xuất hiện nhiều khó khăn vướng mắc.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam (Ảnh: Hồng Quang) |
Do diện tích bình quân theo nhân khẩu của Hà Nam thấp, ruộng đất chia manh mún, nhỏ lẻ nên khó khăn để tuyên truyền người dân ủng hộ chủ trương tích tụ ruộng đất. Nhiều hộ dân băn khoăn cho thuê đất là mất đất, lo ngại đất sẽ không sản xuất được nữa không khi hết thời hạn thuê đất.
Mặt khác, luật pháp hiện không cấm chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê đất của dân, nhưng cũng không có văn bản pháp lý nào cho phép điều này, ông Ngọc cho hay.
Vị này nêu rõ, Luật Đất đai không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, Luật ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân, sau đó thu của doanh nghiệp nhiều lần để hoàn trả.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, để phát triển thị trường đất đai, cần coi quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản; tăng hiệu quả sử dụng đất gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.
Ngoài ra, cần điểu chỉnh quy định theo hướng bỏ hạn điền, bỏ giới hạn đối tượng giao dịch đất nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng, thúc đẩy cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Nhàn kiến nghị./. Nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,28% diện tích đất nông nghiệp
TP HCM hưởng lợi gì từ việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp?
Đất nông nghiệp được rao bán tràn lan tại Phan Thiết