Phi lê cá basa, thanh long Việt Nam chinh phục thị trường Pakistan
VOV.VN - Sản phẩm phi lê cá basa và thanh long Việt Nam đã được các quan khách Pakistan quan tâm và đánh giá cao, kỳ vọng mở ra thị trường xuất khẩu mới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ mới đây đã tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm phi lê cá basa và thanh long Việt Nam, nhân dịp tại Lễ chiêu đãi của Đại sứ quán nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77. Từ năm 2017 đến nay Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ đã tranh thủ mọi cơ hội, tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá sản phẩm, lấy uy tín cho phi lê cá basa Việt Nam.
Tại Lễ chiêu đãi kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam lần thứ 77 Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ tập trung quảng bá sản phẩm phi lê cá basa Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của các tổ chức quốc gia và quốc tế uy tín nhất như Global G.A.P. của Đức, ASC của Hà Lan và Vương quốc Anh, BAP của Mỹ đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Anh.
Sản phẩm phi lê cá basa Việt Nam trước đó đã từng thành công vang dội trên thị trường Pakistan, làm thay đổi cả văn hóa ẩm thực của Pakistan nhờ vào chất lượng tuyệt hảo, mùi vị thơm ngon và đặc biệt là giá rất cạnh tranh phù hợp với sức mua của đại đa số người tiêu dùng Pakistan.
Tuy nhiên thành công đã dẫn đến hiện tượng tranh mua tại Việt Nam và tranh bán tại Pakistan. Hậu quả là chất lượng sản phẩm phi lê cá basa Việt Nam tại thị trường Pakistan không được đảm bảo. Tháng 12/2017, Sở vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Punjab (Pakistan) đã ra lệnh cấm sử dụng và buôn bán sản phẩm phi lê cá basa, tạo nên dư luận bất lợi trong xã hội và người tiêu dùng Pakistan. Chính vì vậy, việc quảng bá sản phẩm phi lê cá basa lần này nhằm từng bước lấy lại uy tín, tạo ra cơ hội thiết lập thị trường xuất khẩu mới tại Pakistan.
Từ năm 2021, sản phẩm thanh long Bình Thuận (Việt Nam) cũng đã được bày bán tại các siêu thị Pakistan. Tuy nhiên do phải nhập số lượng nhỏ từ Dubai qua đường hàng không nên giá bán lẻ quá cao so với giá xuất khẩu của Việt Nam (16 USD/kg so với 1,2 USD/kg). Vì vậy sản phẩm thanh long Bình Thuận cũng chưa thành công.
Tại hoạt động quảng bá lần này, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ tập trung vào việc giới thiệu cho người tiêu dùng Pakistan giá trị dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trái thanh long Việt Nam trái ngược với hình thức bề ngoài khác lạ của nó.
Hầu hết khách dự lần đầu tiên nhìn thấy trái thanh long, hoặc lần đầu tiên được thưởng thức trái thanh long và cũng lần đầu tiên được giới thiệu giá trị dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trái thanh long Việt Nam.
Kết quả là món trái cây thanh long Việt Nam đã được khách dự chiêu đãi hết sức ưu ái, làm cơ sở để có thể khẳng định sản phẩm thanh long Việt Nam sẽ có cơ hội thành công tại thị trường Pakistan nếu hạ được giá thành nhập khẩu. Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ đang làm việc với Sở Công Thương Bình Thuận và Hiệp hội Xuất khẩu Thanh long Việt Nam để tìm giải pháp cho vấn đề này./.