Quảng Ngãi tìm hướng giải cứu nông sản
VOV.VN - Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng chung tay giải cứu nông sản, giúp nông dân vượt qua khó khăn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại nhiều địa phương, tình trạng nông sản đến kỳ thu hoạch dồn ứ không tiêu thụ được khiến người nông dân đứng ngồi không yên. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng chung tay giải cứu nông sản, giúp nông dân vượt qua khó khăn.
Mấy ngày nay, hàng chục hộ nông dân ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đứng ngồi không yên bên những ruộng dưa đã đến kỳ thu hoạch. Hàng trăm tấn dưa chín rục nằm lăn lóc trên đồng chờ người mua.
Bà Dương Thị Tâm ở thôn Sơn Mỹ, xã Tịnh Hiệp than thở, giá dưa rớt giá sâu, bán từ 700 – 2.000 đồng/kg tùy theo loại, nhưng không mấy người mua khiến người trồng dưa lỗ nặng.
Chương trình "Mỗi trái dưa - Triệu tấm lòng" của Agribank Quảng Ngãi giải cứu hơn 20 tấn dưa. |
“Do tình hình dịch bệnh nên năm nay dưa bán không được. Giờ người dân hái dưa bán nhỏ lẻ lấy lại tiền thuốc mà không đủ tiền phân bón. Khi dưa không xuất khẩu được vào Trung Quốc phải bán nội địa nên ai bán được đồng nào hay đồng nấy khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên”, bà Tâm nói.
Hàng ngàn tấn dưa hấu đang ùn ứ, nhiều cơ quan và các tổ chức đoàn thể ở tỉnh Quảng Ngãi đã phát động phong trào chung tay hỗ trợ nông dân.
Vụ dưa hấu Đông Xuân 2019- 2020, nông dân tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 700 ha, sản lượng thu hoạch gần 22.000 tấn; trồng hơn 1.000 ha ớt với sản lượng gần 20.000 tấn.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị với Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu kết nối các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để giải cứu đầu ra cho nông sản. Ngành nông nghiệp và các địa phương cũng đã chủ động kết nối với hệ thống các chuỗi cung ứng, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về giải pháp lâu dài, ngành Công Thương cũng đã làm việc với ngành nông nghiệp trong tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thị trường xuất khẩu, định hướng cho nông dân trong sản xuất, nuôi trồng và tiêu thị sản phẩm.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng định hướng tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chuyển sang Ấn Độ hoặc các nước ASEAN./.
Quảng Ngãi: Dưa hấu chất đống ngoài đồng chờ "giải cứu"