Rét đậm, nguồn cung khan hiếm khiến giá rau xanh tăng mạnh
VOV.VN - Hơn một tuần qua, thời tiết miền Bắc ít mưa, rét đậm là nguyên nhân khiến giá rau xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục "tăng nhiệt" và dự báo rau xanh vẫn khan hiếm và giữ giá cao trong những ngày tới.
Sáng 19/12, trước khi đi làm, chị Nguyễn Hồng Nhung, ở quận Cầu Giấy, (Hà Nội) tranh thủ đi chợ mua đồ ăn cho gia đình. Thay vì mua nhiều loại rau xanh như mọi khi, chị Nhung mua các loại củ như su hào, khoai tây, còn rau xanh chỉ mua bằng 1/3 so với thời điểm bình thường. Nguyên nhân là bởi giá rau xanh tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với thời điểm cuối tháng 11 giá. Đi chợ những ngày này, tiền rau đắt ngang tiền thịt, cá là câu than thở của hầu hết các bà nội trợ.
“Trước tôi mua mỗi loại nửa cân, bây giờ chỉ mua 3 lạng. 30.000 tiền rau mới mua được có 6 lạng. Chỗ rau cải xanh này 3 lạng còn chỗ rau cải ngọt hơn 3 lạng chút. Trước thì chỗ này chỉ cùng lắm hết khoảng 15.000” - chị Nhung chia sẻ.
Theo ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố như chợ Thành Công quận Ba Đình, chợ Nhân Chính, quận Thanh Xuân, chợ Trung Kính, quận Cầu Giấy..., giá các loại rau xanh đang tăng cao ở mức “chóng mặt” so với thời điểm cách đây khoảng một tuần.
Cụ thể, nhiều loại rau ăn lá tăng giá gấp đôi như cải ngọt, cải ngồng, cải chíp, cải thìa... tăng từ 15.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; cải cúc tăng từ 15.000 lên 45.000 - 50.000 đồng/kg, rau mồng tơi tăng từ 7.000-8.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ; su hào từ 7.000 đồng/củ tăng lên 15.000 đồng/củ; rau muống từ 15.000 đồng/mớ tăng lên 30.000 đồng/mớ; súp lơ xanh và trắng tăng từ 20.000 đồng/kg lên mức 30.000-40.000 đồng/kg; các loại rau gia vị tăng từ 3.000 đồng/mớ lên khoảng 8.000 đồng/mớ...
Một số loại rau khác cũng tăng giá như rau cần tăng từ 7.000-8000 đồng/mớ lên 12.000 đồng/mớ; mướp tăng từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; dưa chuột tăng từ 17.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; hành lá tăng từ 25.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg…
Giải thích nguyên nhân rau tăng giá, chị Nguyễn Thị Hiền, ở Dương Nội, Đông Anh, tiểu thương bán rau tại chợ Trung Kính, Cầu Giấy cho biết: “Rau đợt này đắt bởi đợt trước nồm, sâu bệnh nhiều làm hỏng hết rau, sau lại dính đợt rét đậm này nữa thì rau lại đắt lên nhiều. Trước chỉ độ 20-25 ngày có một lứa rau bán được, bây giờ thì hơn một tháng thì mới bán được. Nếu thời tiết mà ấm lên thì cũng nhanh thôi nhưng cứ rét kéo dài thế này thì rau đắt dài nữa”.
Tại một số chợ “online” giá các loại rau đắt hơn giá rau bán tại chợ truyền thống như: su hào có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg; cải mơ giá 45.000 đồng/kg; đậu Hà Lan có giá 85.000 đồng/kg... Rau xanh tăng giá không chỉ khiến người tiêu dùng "lao đao" mà cả các tiểu thương tại chợ cũng phải giảm nguồn hàng nhập vào.
Chị Lê Thị Hưởng, tiểu thương chợ Thành Công cho biết: “Đắt quá tôi mang ra đây không bán được sẽ bị lỗ. Ví dụ 10 kg mình bán suôn sẻ thì được lãi 20.000 đồng, mua 28.000, bán 30.000, còn cân lẻ thì bị hao. Bây giờ không dám mang ra nhiều, không bán được thành ế, thành lỗ nên chủ yếu đưa nhà hàng, còn đâu bán lẻ cho dân. Nhà hàng tầm này đắt họ cũng lấy ít đi, rẻ thì họ lại lấy nhiều”.
Theo dự báo của chuyên gia nông nghiệp, từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh còn khan hiếm và giá cao. Nguyên nhân là do thời tiết ít mưa, trời rét đậm khiến sâu bệnh phát triển. Trời rét đậm cũng làm rau chậm phát triển. Cùng với đó, giá vật tư sản xuất và công lao động đều tăng thêm 50 - 70% so với năm trước, dẫn đến đội giá thành sản phẩm./.