Rượu giả được làm từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ
VOV.VN - Công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng cần tiếp tục được chú trọng và đề cao.
Rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cũng là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên thời gian qua, ở nhiều địa phương vẫn xảy ra những vụ ngộ độc cá nhân, tập thể do sử dụng rượu giả, rượu kém chất lượng. Do đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng luôn được đề cao.
Trao đổi với độc giả tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 14/12, ông Tống Nguyên Long, Phó Giám đốc Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội cho biết, để người tiêu dùng sử dụng đúng, chuẩn sản phẩm có chất lượng vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ sản xuất đến kinh doanh, lưu thông ngoài thị trường.
“Vẫn có khá nhiều người tiêu dùng chưa có trách nhiệm, chưa có ý thức trong khâu lựa chọn sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, bất cập thể hiện rõ ít nhiều liên quan đến chất lượng, đó là người tiêu dùng mua sản phẩm không lấy hóa đơn chứng từ”, ông Long cho hay.
Cũng theo ông Long, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu trên 20 độ cồn là 65% và tới đây Chính phủ, Quốc hội có lộ trình tăng lên. Nhưng đối với những loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, các đối tượng kinh doanh sẽ vừa trốn tránh việc kiểm tra chất lượng, vừa trốn cả việc nộp thuế.
“Văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện sản xuất và kinh doanh rượu bia đã tương đối đầy đủ, thậm chí vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và về rượu bia nói riêng đã tăng lên mức xử lý hình sự, áp dụng hình phạt tù lên tới 20 năm, nhưng thực tế trong thời gian qua, chế tài xử phạt thực hiện chưa được nhiều”, ông Long nêu.
Những năm qua, lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là việc sản xuất rượu thủ công nhằm kịp thời phát hiện các hành vi sử dụng cồn công nghiệp methanol để pha chế rượu, các hành vi sản xuất, buôn bán rượu giả, rượu kém chất lượng để tập trung đấu tranh và xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật.
Song, điều ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) lo ngại nhất chính và việc sản xuất rượu thủ công. Quá trình tự sản xuất, tự tiêu dùng dẫn đến việc quản lý chất lượng không được đảm bảo và gây ra ngộ độc. Trong khối kinh doanh buôn bán, chủ yếu các hành vi vi phạm là kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng.
“Rượu giả có thể được làm ngay trong nước, có thể được làm giả sẵn từ nước ngoài sau đó nhập khẩu bằng nhiều con đường vào Việt Nam tiêu thụ. Ngoài ra, vì lợi nhuận và giảm giá thành, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn tìm cách pha chế rượu thật để bán với giá thành thấp hơn, người mua dễ tiếp cận hơn dẫn đến chất lượng sản phẩm rượu không đảm bảo”, ông Lê chỉ ra.
Ông Lê cũng cho biết, khi nhu cầu thị trường tăng đột biến, nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng cắt ngắn quy trình để sớm đưa sản phẩm ra thị trường nên vẫn có những sản phẩm chưa được xử lý đúng theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể đến việc sử dụng chất phụ gia không được phép vào trong sản phẩm rượu, dẫn đến người tiêu dùng khi sử dụng nhẹ sẽ dị ứng gây mẩn đỏ, nặng có thể suy hô hấp, hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó ông Lê đề xuất, ngoài tăng cường quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất trong nước, cần giải quyết bất cập về tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật đối với rượu nhập khẩu. Bởi tiêu chí đánh giá sản phẩm rượu của Việt Nam không giống với nước ngoài, khi Việt Nam chỉ yêu cầu một số tiêu chí nhất định, nhưng đối với 1 chai rượu ở nước ngoài có đến 20 tiêu chí đánh giá.
Giảm tối đa tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu giả, kém chất lượng là việc làm cần sự phối hợp của nhiều cấp ngành, lĩnh vực. Với vai trò của Bộ Công Thương, việc kiểm tra hoạt động này tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và cả những cơ sở thuộc đối tượng không phải cấp giấy cơ sở đủ điều kiện.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định pháp luật của Việt Nam, các cơ sở này phải có bản cam kết đối với các cái cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Trong các đợt kiểm tra của ngành Công Thương, lực lượng QLTT đều tập trung vào các cơ sở lớn, nhỏ nhằm đảm bảo chấp hành đúng quy định.
“Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh rượu phải tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm. Với người tiêu dùng, việc nâng cao nhận thức trong lựa chọn và sử dụng sản phẩm rượu cần phải trở thành một nét văn hóa; chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu, sản phẩm đồ uống có cồn khác; kịp thời thông báo tới các cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm mất an toàn nói chung, sản phẩm rượu nói riêng”, ông Tấn đưa ra khuyến nghị.
Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam:
Những sản phẩm sản xuất rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ Methanol vượt ngưỡng cho phép, sản phẩm rượu nhập nhập không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến những DN hoạt động chân chính./.