Sau bão, giá cả thực phẩm tăng cao đột biến
VOV.VN - Giá ở chợ thì tăng đột biến trong khi ở các siêu thị, các điểm bình ổn giá, các mặt hàng rau quả…cơ bản ổn định.
Cứ như thành thông lệ, cứ sau mỗi đợt mưa bão, do thiếu nguồn cung, giá rau quả, thực phẩm tại các chợ dân sinh lại bị tư thương đẩy lên cao đột biến. Trong khi đó, tại các siêu thị, các điểm bình ổn giá, các mặt hàng này cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác cơ bản ổn định. Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Hà Nội đã qua gần 7 năm thực hiện, cho thấy sự vai trò thiết thực góp phần ổn định giá cả thị trường.
Do ảnh hưởng thời tiết mưa bão, thêm vào đó là lụt lội khiến vận chuyển khó khăn, những ngày qua, giá rau quả tại các chợ dân sinh ở Hà Nội tăng cao đột biến. Chị Hoàng Hạnh ở Kim Giang, quận Thanh Xuân - Hà Nội chia sẻ, mặc dù bão đã tan, nhưng giá rau quả ở chợ nhiều loại vẫn tăng gấp đôi ngày thường. Bình thường 1 bó rau muống 6.000 đồng nay tăng lên 12.000 đồng; Rau cải ngọt tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 - 40.000 đồng/kg; cà chua 15.000-20.000 đồng/kg…Trong khi đó, giá các mặt hàng này trong siêu thị bán hàng bình ổn giá thì cơ bản không tăng cao như chợ dân sinh. Chị Hoàng Hạnh nói: “Giá ở siêu thị, cơ bản không thay đổi. Ví dụ cà chua ngon ở siêu thị 8.000 đồng/kg nhưng ở chợ 15.000/kg. Các rau khác ở siêu thị cũng ổn định còn ngoài chợ lại biến động nhiều”.
Tại các siêu thị và các điểm bán hàng thực hiện chương trình bình ổn giá, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng không biến động mạnh, ngay cả khi bên ngoài thị trường giá bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba. Đó là do các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã chủ động liên kết với các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối có uy tín, để có nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý.
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty An Việt, một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội cho rằng, chúng ta cần mở thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ dân sinh và khu dân cư. Bởi vì, nó sẽ góp phần ổn định giá thị trường, hỗ trợ người dân những lúc cao điểm hoặc thị trường biến động. Ông cũng đề nghị Sở Công thương Hà Nội và các sở ban ngành hỗ trợ giới thiệu để công ty An Việt có thể mượn hoặc thuê với giá ưu đãi để năm 2013. Đầu năm 2014, Công ty An Việt sẽ mở được nhiều điểm bán hàng bình ổn tại khu chợ dân sinh hoặc khu dân cư, góp phần đưa hàng bình ổn đến được với nhiều người dân hơn.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, thực tế hiện nay, giá bán từ khâu sản xuất đến bán lẻ cuối cùng chênh nhau từ 70%- 100%, vì phát sinh quá nhiều khâu trung gian. Do đó, với một chương trình lâu dài như chương trình bình ổn giá, thì cần chú trọng tạo chuỗi liên kết từ nhà sản xuất đến bán lẻ để giảm bớt chi phí phân phối lưu thông, đưa đến người tiêu dùng giá cả hợp lý. Ông nói: “Để bình ổn giá chúng ta cần tập trung vào đơn vị sản xuất. Đối với sản phẩm thiết yếu, thành phố nên kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất; đảm bảo giá từ sản xuất hợp lý nhất để giá từ sản xuất đến lưu thông, bán lẻ có sự quản lý của nhà nước, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ, lợi dụng tình hình tăng giá bất hợp lý”.
Năm 2013, thành phố Hà Nội sử dụng 318 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất, tạm ứng cho các doanh nghiệp, tập trung bình ổn 7 nhóm hàng thiết yếu. Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Nội cho biết, ngoài kinh phí mà thành phố hỗ trợ, thì các doanh nghiệp còn chủ động nguồn vốn tự có để dự trữ thêm hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng mua bán tận gốc với nhà sản xuất tại các tỉnh, nên giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý và ổn định.
Chương trình bình ổn giá thực hiện 3 mục tiêu quan trọng là: Dự trữ hàng hóa đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ đảm bảo an toàn; Bán đúng giá niêm yết và doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích. Để chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa, nhiều doanh nghiệp kiến nghị thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển hàng thuận lợi, ngoài ra cần đầu tư mở thêm nhiều điểm bình ổn tại chợ dân sinh, khu dân cư, khu công nghiệp…nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trước những biến động giá cả thị trường./.