Sữa New Zealand nhiễm khuẩn, dân đổ xô mua sữa nội
VOV.VN - Chỉ 2 ngày sau sự cố sữa của Abbott, số lượng khách hàng chuyển sang dòng sản phẩm của Việt Nam gia tăng đáng kể.
Trước thông tin một số dòng sữa bột nhập ngoại bị nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum gây liệt cơ, rất nhiều bà mẹ đổ xô đến các đại lí lớn trả lại hoặc đổi sản phẩm khác.
Cứ Dumex, Abbott là tẩy chay
Chỉ trong vòng 2 ngày (5 và 6/8), hai dòng sản phẩm của hãng sữa Dumex và Abbott hầu như tê liệt không bán nổi trên thị trường. Dù thông tin từ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và các hãng sữa cũng đã công bố trên phương tiện thông tin đại chúng là chỉ có một số lô sản phẩm có nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum và các cty này đang tiến hành thu hồi sản phẩm. Nhưng đối với người tiêu dùng, cứ sản phẩm nào liên quan đến 2 hãng sữa trên đều không mua cho con dùng.
Lo ngại chất lượng sữa ngoại, người tiêu dùng chuyển sang dùng sữa nội. |
Tại đại lí sữa ở 94 Hàng Buồm (Hà Nội), một nhân viên bán hàng cho biết, hai hãng sữa này từ 2 ngày nay chỉ thấy người đến trả và đến đổi loại sữa khác chứ không thấy cho người mua. Dù nhân viên đã giải thích và đọc tên những loại sữa bị thu hồi, nhưng người mua vẫn kiên quyết đổi sữa khác cho con họ dùng.
Tại đại lí sữa ở địa chỉ 97 Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), các loại sữa của Dumex, Similac vẫn được bày bán, đặc biệt loại Similac gain Plus EyeQ được bày bán nơi bắt mắt nhất. Khi thắc mắc, chủ cửa hàng cho biết "cả hai hãng sữa nêu trên chỉ thu hồi lô sữa được nhập về trong tháng 7, còn lại sữa trước đó và hiện tại vẫn được bán bình thường".
Tuy nhiên, một nhân viên ở đây tiết lộ, trong hai ngày nay, chỉ thấy khách hàng đến trả lại sản phẩm và đổi sang loại sữa khác chứ không thấy khách hàng mua sữa của Abbott và Dumex như mấy ngày trước đó. Số lượng khách hàng chuyển sang dòng sản phẩm của Việt Nam gia tăng đáng kể.
Theo chị Nguyễn Thị Quế ở Phương Mai, chị rất lo lắng vì con chị cũng đang sử dụng sản phẩm dòng sản phẩm của Abbott loại Simillac Gain Plus, tuy nhiên dùng hết là chị vứt vỏ hộp đi nên không biết sữa con chị đã dùng có phải loại sản phẩm bị nhiễm khuẩn hay không. Hiện tại chị thực sự hoang mang, nên cứ sữa nào liên quan đến hai hãng sữa trên chị đều không mua.
Chị Nguyễn Như Mai ở Ngọc Thụy cũng băn khoăn. Con chị mới có 2 tuổi mà đã mấy lần thay đổi sữa, đến loại nhập ngoại chất lượng còn thế này thì biết tin tưởng vào hãng sữa nào bây giờ. "Không hiểu cơ quan chức năng quản lí như thế nào mà để tình trạng sữa bột cho trẻ em nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum vô cùng nguy hiểm như vậy" chị Mai cho biết.
Điều đáng lo ngại là, các công ty phân phối những dòng sữa Dumex, Abbott vẫn khẳng định là đang tiến hành thu hồi, nhưng tại một số đại lí vừa nêu trên, chủ đại lí đều cho biết, chưa thấy có thông tin gì về việc thu hồi hay đổi sản phẩm của các nhà sản xuất. Do các hãng sữa nêu trên đều là hàng kí gửi, bán xong mới lấy tiền nên, khách hàng có thể đổi thoải mái, đại lí sẽ trả lại nhà phân phối.
Vẫn e ngại chất lượng sữa nội
Cũng theo đại lí ở 97 Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), hiện tại, nhiều bà mẹ đã chọn sữa nội để đổi cho con mình dùng. Trong hai ngày nay, lượng sữa nội của Vinamilk, Nutifood được bán với số lượng đáng kể, hơn hẳn ngày thường.
Dù đã lựa chọn sữa nội cho con em mình dùng, nhưng nhiều bà mẹ vẫn tỏ ra lo ngại về chất lượng cũng như khâu kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Cũng theo chị Nguyễn Thị Quế ở Phương Mai (Hà Nội), đến sữa ngoại được kiểm định gắt gao theo tiêu chuẩn quốc tế thế mà vẫn bị nhiễm khuẩn thì sữa nội chất lượng liệu có ổn hơn không.
Những thông tin về sữa nhiễm melamine, sữa vón cục, sữa có đỉa... một thời khiến cho người tiêu dùng cũng cảm thấy thực sự hoang mang với chất lượng sữa nội. Hiện nay, tình trạng có được cải thiện, nhưng vẫn hi vọng rằng không có thêm vụ scandan nào nữa để cho người tiêu dùng yên tâm cho con mình sử dụng.
Đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để làm rõ việc quản lí chất lượng sữa bột dành cho trẻ em, nhưng phóng viên không thể liên hệ được lãnh đạo của cục này.
Trên trang web của cục này cũng chỉ có thông báo ngắn gọn liên quan đến chất lượng sữa như: Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế xin thông báo các doanh nghiệp không nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate và các sản phẩm có chứa nguyên liệu này do Cty Fonterra (New Zealand) sản xuất.
Cụ thể như sau: Cty Vinamilk dùng nguyên liệu whey protein concentrate được nhập khẩu từ Mỹ và EU; Cty Nutifood dùng nguyên liệu nhập từ Mỹ;
Văn phòng đại diện Meiji dùng nguyên liệu nhập từ Mỹ và Australia. Cục An toàn thực phẩm trân trọng thông báo và tiếp tục cập nhật thông tin khi nhận được báo cáo của các DN (?)”./.
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Đại diện Abbott tại Việt Nam và công ty TNHH Dinh dưỡng 3A - đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q mới (số 3, dành cho trẻ 1-3 tuổi, chỉ loại hộp 400g và 900g): Tính đến hết ngày 5/8/2013, Abbott tại Việt Nam đã nhận lại được 11.653 thùng trên thị trường (gần 90% lượng hàng đã bán ra).
Trước đó (ngày 4/8), do lo ngại Similac GainPlus Eye-Q bị nhiễm khuẩn gây độc, Công ty sữa Abbott Nutrition Việt Nam phát đi thông báo đề nghị khách hàng đổi hoặc hoàn trả sữa Similac GainPlus EyeQ mới số 3 dành cho trẻ 1-3 tuổi loại hộp 400g và 900g, thuộc 10 lô sản xuất ở NewZealand.
Đại diện Công ty Abbott Nutrition Việt Nam cho biết, đơn vị này đã đưa ra thị trường khoảng 12.927 thùng Similac GainPlus EyeQ mới số 3 dành cho trẻ 1-3 tuổi loại hộp 400g và 900g, thuộc 10 lô sản xuất ở NewZealand. Như vậy hiện nay chỉ còn khoảng hơn 1.000 thùng Similac GainPlus EyeQ ngoài thị trường. Hiện cty này đang cố gắng thu hồi các sản phẩm còn lại./.