Sức mua thịt lợn bắt đầu tăng sau dịch tả lợn châu Phi
VOV.VN - Sức mua thịt lợn ở Hải Dương bắt đầu tăng, trái ngược hoàn toàn với cách đây một tháng, khi tỉnh này công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên.
Sau một tháng người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn do lo sợ dịch tả lợn châu Phi, đến nay sức mua thịt lợn tại các chợ dân sinh, Trung tâm thương mại của người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương bắt đầu tăng.
Hiện tiểu thương ở Hải Dương mua thịt lợn tại các lò mổ dao động từ 48.000đồng/kg đến 50.000đồng /kg, trong khi tháng trước chỉ khoảng 30.000đồng/kg. |
Khoảng 20 quầy bán thịt lợn tại chợ Tân Kim, một chợ truyền thống tại Trung tâm thành phố Hải Dương rôm rả người mua, kẻ bán… Bà Tăng Thị Sen, người bán thịt lợn tại chợ cho biết điều này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh cách đây khoảng một tháng, khi tỉnh Hải Dương công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên.
"Người dân mua thịt lợn cũng tăng lên nhiều. Lúc mới có dịch thì không bán được nổi nửa con nhưng giờ đã bán được nhiều hơn rồi. Đối với người bán thực phẩm thì an toàn thực phẩm phải đặt trên hết, thịt phải qua lò kiểm dịch thì chúng tôi mới bán", bà Sen cho hay.
Sức mua tăng, đồng nghĩa việc giá thu mua lợn tăng. Hiện tiểu thương ở Hải Dương mua thịt lợn tại các lò mổ dao động từ 48.000đồng/kg đến 50.000đồng/kg, trong khi tháng trước chỉ khoảng 30.000đồng/kg. Sau hơn 1 tháng toàn tỉnh Hải Dương có 100 xã của tất cả 12 huyện, thành phố xuất hiện ổ dịch; số lợn bị buộc tiêu hủy là hơn 11.000 con chiếm 2/5 tổng đàn lợn của tỉnh.
Chợ truyền thống Tân Kim tại Trung tâm thành phố Hải Dương tấp nập người mua, kẻ bán… |
Để nhanh chóng khôi phục đàn lợn, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết đang tăng cường giám sát, kiểm tra các khu vực đã từng có dịch và yêu cầu người chăn nuôi hết sức cẩn trọng khi tái đàn.
"Hướng dẫn cho bà con chỉ tái đàn 10% công suất chăn nuôi tại chuồng, trại đó. Sau 30 ngày kiểm tra nếu như âm tính với dịch tả lợn châu Phi thì chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con tái đàn tiếp tới 100%. Trong quá trình nuôi đều yêu cầu bà con chăn nuôi phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn lợn. Nếu có dấu hiệu khác thường thì phải báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương", ông Đức nói.
Cùng với việc gây dựng lại đàn lợn ở những vùng có dịch, ngành thú y Hải Dương cần tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ đàn lợn đang đến kỳ xuất bán, nhất là đàn lợn bố mẹ để đảm bảo nguồn con giống và không để xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn trên địa bàn…/.