Thay đổi phương thức tiêu thụ, đẩy mạnh chế biến vải thiều Bắc Giang
VOV.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, huyện Lục Ngạn cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến nông sản nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra cho vải thiều.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2022, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ từ 70% - 90%. Diện tích vải thiều toàn tỉnh duy trì 28.300 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 40.000 tấn so với năm 2021. Trong đó, vải chín sớm 6.750 ha, sản lượng ước đạt 60 nghìn tấn; vải thiều chính vụ diện tích 21.250 ha, sản lượng ước đạt 120 nghìn tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch vải thiều, để giúp người trồng vải thiều tiêu thụ sản phẩm được thông thoáng Bắc Giang đã triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết để tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều, đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiêu thụ vải thiều.
Hướng dẫn các tổ chức cá nhân các điều kiện xuất khẩu quả vải thiều như: Tem, nhãn, bao bì theo quy định của nước nhập khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ và chế biến vải thiều, đảm bảo an toàn phòng dịch. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở đóng gói đã được Trung Quốc cấp mã số thực hiện tốt các yêu cầu đóng gói để tiêu thụ sản phẩm sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy; đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường chính, tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển tiêu thụ vải thiều và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại trong sản xuất, thu mua, chế biến vải thiều, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tập trung làm tốt từ khâu tiêu thụ đến khâu chế biến
Thực tế, trong vụ vải thiều năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ người trồng vải xây dựng lò sấy. Tại Yên Thế, UBND huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/lò đối với lò có quy mô sấy dưới 2 tấn vải tươi/lượt; 2 triệu đồng đối với lò có quy mô 2 đến 5 tấn vải tươi/lượt và 4 triệu đồng với lò trên 5 tấn vải tươi/lượt. UBND huyện Lục Ngạn cũng chi 2,4 tỷ đồng để hỗ trợ người dân xây dựng lò sấy.
Để tiêu thụ vu vải thiều 2022 thuận lợi hơn, trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chỉ đạo, Sở Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh và UBND huyện Lục Ngạn kiểm tra công tác tiêu thụ vải thiều và thăm một số cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Sau khi kiểm tra công tác tiêu thụ vải thiều và thăm một số cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đánh giá cao các biện pháp chỉ đạo sản xuất của huyện Lục Ngạn và sự mạnh dạn của các hộ dân trong áp dụng công nghệ mới chế biến, sơ chế vải thiều để tiêu thụ.
“Đề nghị huyện Lục Ngạn trong những ngày tới cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền người dân chăm sóc, sản xuất vải thiều bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu, giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến nông sản nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra cho sản phẩm vải thiều.
Đồng thời hướng dẫn cụ thể người dân về in ấn bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, logo, nhãn mác, túi, hộp đựng sản phẩm theo quy định và đầu ra cho sản phẩm vải thiều. Bố trí địa điểm thu mua và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có cam kết bao tiêu sản phẩm vải thiều tại các vùng vải tập trung. Bảo đảm công tác an ninh trật tự và lưu thông tiêu thụ sản phẩm vải thiều được thuận lợi…”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2022, giá bán vải sớm ở Lục Ngạn khá cao và ổn định. Giá bán vải dao động từ 18.000 – 35.000 đồng/kg, cao hơn so với năm ngoái. Năm nay, ngoài việc tiêu thụ tươi, huyện cũng đáng hướng tới và đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều theo nhiều hình thức như sấy khô, nước ép, dấm, rượu vải… để trái vải thiều được sử dụng rộng rãi hơn và bảo quản lâu hơn.
“Ngoài ra, UBND huyện cũng tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm; rà soát, thống kê lại toàn bộ các lò sấy vải trên địa bàn đặc biệt các lò sấy có công suất, sản lượng lớn (từ 20- 30 tấn/lượt sấy).
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, công nghệ, thiết bị sấy hiện đại theo hướng công nghiệp hoạt động tại địa bàn huyện; tuyên truyền mời gọi các thương nhân từ các tỉnh bạn về thu mua chế biến sấy tại địa bàn. UBND các xã, thị trấn thống kê, rà soát tình hình sản xuất, dự trữ các mặt hàng phụ trợ, kho bảo quản trên địa bàn; rà soát, bố trí các điểm tập kết, trung chuyển, thu mua vải thiều ngay tại vườn và khu vực thôn, xã ”- ông Nam nói../.