Thịt lợn đắt đỏ, hải sản thừa mứa, giá rẻ lại thưa vắng người mua
Vài ngày qua, thịt lợn là mặt hàng được người dân gom mua nhiều, giá cũng vì thế mà lên cao. Trong khi đó, không ít mặt hàng thực phẩm khác lại thừa, giá giảm..
Giá thịt lợn luôn là chủ đề nóng nhiều ngày qua. Bởi đây là loại thực phẩm dễ tiêu dùng trong thời gian dài. Tuy nhiên, do sức mua trong thời gian ngắn của người dân tăng đột biến, giá của mặt hàng này đã lên rất cao.
Tại một số chợ ở Hà Nội vào chiều qua (31/3), giá đã lên tới 250.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương kinh doanh thịt lợn, dù giá cao nhưng nhiều người vẫn mua 2 - 5 kg các loại.
Thịt lợn ngày 31/3 tăng cao do nhu cầu gom mua của người dân. |
Giá thịt lợn tăng, nhưng nhiều mặt hàng khác lại có chiều hướng tụt giá. Trong đó, đáng kể nhất là mặt hàng hải sản. Thậm chí theo anh Hoàng Huy, chủ một nhà hàng tại Quảng Ninh, hải sản tại đây thậm chí còn phải kêu gọi giải cứu vì không ai mua.
“Nhà hàng tôi đã đóng cửa từ cách đây 20 ngày, nên tôi cũng dừng nhập hải sản từ thời điểm đó. Các đầu mối cung cấp hải sản dù đã giảm giá tôm, cua, mực nhiều nhưng cũng không thể tiêu thụ”, anh Huy nói.
Tôm sú mất giá vì nhiều nhà hàng nghỉ dịch. |
Không chỉ tại Quảng Ninh, các nhà hàng đều dừng hoạt động để tránh lây lan dịch bệnh, nên đều không nhập hải sản. Do đó, mặt hàng này chỉ có thể bán lẻ tới người tiêu dùng.
Nhưng theo chị Tuyết, một tiểu thương chuyên buôn đồ hải sản ở các tỉnh phía Bắc, giá tôm sú loại 20 con/kg thời điểm hiện tại giảm từ 520.000 đồng/kg về chỉ còn hơn 400.000 đồng/kg.
“Cua thịt, cua gạch cũng giảm từ trên 500.000 đồng/kg, về còn 300.000 - 400.000 đồng/kg. Nhiều loại mực hiện cũng đang rất rẻ, nhưng sức mua lại thấp. Từ lúc dịch có chiều hướng gia tăng, tôi đã dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh”, chị Tuyết nói.
Cũng theo chị Tuyết, không chỉ hải sản, các loại thực phẩm khác như lương, ốc, ếch cũng giảm giá tới 30% so với trước. Giá lươn từ 100.000 đồng/kg về còn 68.000 đồng/kg. Ốc giảm từ 100.000 đồng/kg về 80.000 đồng, nhưng cũng không có người ăn.
Lươn tụt giá 30% so với thời điểm không có dịch. |
Duy chỉ có mặt hàng các chép, cá trắm là tiêu thụ mạnh nhất. Tại các chợ đầu mối, giá mặt hàng này chỉ dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng luôn hết trước các thực phẩm khác.
Theo dân buôn, khác với thịt lợn, các mặt hàng kia dù ngon, bổ dưỡng nhưng đầu ra lại phụ thuộc nhiều vào các nhà hàng. Nên chỉ cần nhà hàng dừng nhập thì mọi hoạt động mua bán cũng gặp khó khăn lớn.
Mua quá nhiều thịt lợn để dự trữ sẽ khiến các bữa ăn trở nên nhàm chán. Người tiêu dùng có thể cân nhắc lựa chọn thêm các thực phẩm khác, vừa để bữa ăn phong phú vừa chung tay giúp đỡ các tiểu thương vượt qua khó khăn mùa dịch./.