Thịt nhập khẩu đã “lên kệ” nhưng vì sao giá thịt lợn vẫn cao?
VOV.VN - Tận dụng lợi thế giá rẻ và chất lượng, mặt hàng thịt lợn nhập khẩu cần đáp ứng đầy đủ nguồn cung sẽ từng bước thay đổi tâm lý người tiêu dùng.
Giá thịt lợn hiện nay vẫn còn ở mức cao khi nguồn cung lợn thịt chưa thực sự hồi phục sau ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đã thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng giá thịt lợn ngoài thị trường gần như giảm không đáng kể.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Trong khi giá thịt lợn tươi sống (thịt nóng) chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, người tiêu dùng đã bắt đầu có hướng chuyển sang dùng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu với mức giá dễ chịu hơn.
Hơn 1 tuần nay, chị Đỗ Thị Lan ở Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội vẫn đi chợ và siêu thị gần nhà mua thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu cho gia đình những ngày cách ly phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, thay vì thói quen mua thịt nóng được bán tại chợ, chị tìm đến cửa hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ Nga hay Ba Lan để lựa chọn thực phẩm cho gia đình.
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu bắt đầu được người tiêu dùng chú ý. (Ảnh minh họa: Báo Đại Đoàn kết) |
Chị Lan cho biết, giá thịt lợn nhập khẩu rẻ chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 so với thịt nóng. Ban đầu có phần e ngại nhưng sau vài lần mua và rút kinh nghiệm trong chế biến, các món ăn từ thịt nhập khẩu khá ngon và rất khó phân biệt với thịt tươi thông thường.
“Lợn đông lạnh nhập khẩu giá rẻ lại rất dễ mua vì cửa hàng luôn có sẵn. Vào cửa hàng thực phẩm mình có thể được chọn bất cứ phần thịt nào với chất lượng đồng đều, không lo phải đi sớm hay muộn thì mới có phần thịt này, hết phần thịt kia”, chị Lan lạc quan.
Chia sẻ kinh nghiệm khi chế biến món ăn từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, chị Lan cho biết: “Đối với những món mặn như rán, nướng, kho, xào,… đều có thể được chế biến bình thường. Riêng đối với những món luộc hay hầm cần được gia giảm thêm một số gia vị nhất định để tẩm ướp, đặc biệt là muối, gừng, chanh tươi và cả… rượu trắng”.
Trên thị trường hiện nay, giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu sau khi rã đông được bán với mức giá khá phù hợp. Đơn cử như phần thịt ba chỉ có giá từ 90.000 – 98.000 đồng/kg; sườn sụn 83.000 đồng/kg; sườn thăn dày thịt (sườn cánh buồm) có giá dao động từ 85.000-110.000 đồng/kg; chân giò trước 60.000 đồng/kg, mông sấn từ 65.000 – 68.000 đồng/kg; xương ống các loại có giá trên 30.000 đồng/kg…
Thông tin từ Hệ thống cửa hàng Bách hoá XANH cho hay, thời gian gần đây, lượng tiêu thụ thịt lợn nhập khẩu từ Nga, Brazil… đã bắt đầu tăng lên. Giá bán mặt hành này chênh lệch thấp hơn so với thịt lợn tương sống từ 20% - 50%. Trong hệ thống, tỷ lệ thịt lợn nhập khẩu đã chiếm đến 20% và mặt hàng này bắt đầu được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực.
Kích cầu, tăng nguồn cung
Trong bối cảnh giá thịt lợn tươi sống còn ở mức cao, việc tăng lượng tiêu dùng thịt nhập khẩu nhằm bình ổn thị trường là cần thiết. Vì thế, ngoài việc phổ biến nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng thì việc đáp ứng nguồn cung đầy đủ là một yếu tố hết sức cần thiết.
Mặc dù ở thời điểm này, một vài hệ thống siêu thị, cửa hàng đã triển khai đồng loạt điểm bán thịt lợn nhập khẩu, nhưng đối với đa số người tiêu dùng dù muốn tiếp cận mặt hàng này vẫn là điều khó, vì phần lớn các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lại tập trung ở khu đông dân cư, đại lý phân phối chưa rộng khắp nên để bình ổn thị trường thịt lợn vẫn là điều khó khăn.
Mặt khác lượng thịt lợn nhập khẩu hiện nay đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hay chưa? Khi lượng nhập khẩu đầy đủ và được phân phối rộng khắp, với mức giá chênh lệch như hiện nay, nhu cầu sử dụng mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng lên.
Thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt lợn đông lạnh, tăng tới 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65% và Nga 2,62%.
Mới đây, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã chuyển số lượng gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng ký kết trước đó. Đến nay, có gần 1.500 tấn đã cập cảng Cát Lái, cảng Hải Phòng và cảng Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn cũng đang trên đường về Việt Nam.
Để nhanh chóng tăng nguồn cung thịt lợn, thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các DN Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, đồng thời xem xét chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn.
Bộ Công Thương hiện nay đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương và giới chuyên gia nhận định, theo quy luật cung – cầu, khi nguồn cung còn thiếu thì giá bán hàng hóa chắc chắn sẽ cao. Trong khi đó, nguồn cung thịt lợn nhập khẩu hiện nay chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu đến hết Quý I/2020 phải nhập 100.000 tấn thịt lợn nhưng thực tế mới nhập được khoảng 39.000 tấn.
Do vậy, ngoài việc tăng cường tái đàn lợn trong nước, cần tăng lượng nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung trong nước bị thiếu. Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNN tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020, trong tháng 4 này phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn. Do đó, Bộ NN&PTNT cần lên phương án đáp ứng nguồn cung thịt lợn cụ thể từ nay cho đến hết năm 2020 cho từng tháng, cụ thể là nguồn cung trong nước đáp ứng được bao nhiêu và cần phải nhập khẩu bao nhiêu./.
Hiện nay, thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam đều đang chịu thuế tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Việt Nam chỉ cho phép nhâp khẩu thịt lợn từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam.