Thương lái thao túng giá cá sấu - người nuôi lỗ nặng
VOV.VN - Giá cá sấu giảm quá thấp người nuôi không bán được nên lượng cá sấu đến lứa còn tồn trong dân lên cả trăm ngàn con.
Bạc Liêu được xem là thủ phủ của nghề nuôi cá sấu. Hơn 10 năm qua đã có nhiều hộ đổi đời nhờ nuôi loài động vật hoang dã này. Tuy nhiên hiện giá cá sấu thương phẩm đang rớt đến thê thảm với mức hơn 50.000 – 70.000 đồng/kg. Giá quá thấp, không bán được nên lượng cá sấu đến lứa còn tồn trong dân lên cả trăm ngàn con.
Là người có thâm niên nuôi cá sấu hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Quýt ở xã Phước Long, huyện Phước Long cho biết, chưa bao giờ giá cá sấu thương phẩm lại thấp thảm hại như bây giờ.
Anh Mai Thanh Tuấn bên chuồng cá sấu 450 con chưa bán được. |
“Cá 15 kg trở lại được giá cao nhất chỉ 70.000 đồng, từ 15 kg trở lên chỉ có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Gia đình đang có ý định bán hết để chuyển đổi mô hình, nuôi cá sấu lỗ nhiều, càng nuôi càng lỗ”, anh Quýt bày tỏ.
Cách nhà anh Nguyễn Văn Quýt không xa, anh Mai Thanh Tuấn cũng lao đao với 450 con cá sấu chưa bán được. Anh Tuấn buồn bã tâm sự, nuôi cá sấu muốn có lãi, giá cá sấu thương phẩm phải từ 120.000 đồng/kg. Với giá cả như hiện nay, nếu bán người nuôi cầm chắc thua lỗ. Còn nếu không bán sẽ tốn thêm chi phí mua thức ăn cho cá sấu. Hiện cá mồi làm thức ăn cho cá sấu có giá 13.000 – 14.000 đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí, gia đình đã giảm số lần cho cá sấu ăn, tuy nhiên mỗi tháng vẫn phải tốn hơn 30.000 triệu đồng.
“Cho cá sấu ăn cách 3 ngày 1 lần, mỗi lần tốn 3 triệu đồng. Trước đây nuôi cá được giá nên có lời, nếu nuôi khoảng 100 con, bán lời khoảng 100 triệu. Nhưng khoảng hơn 1 năm nay nuôi cá không có lời vì giá cá quá rẻ”, anh Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đây, mỗi năm bà con gây nuôi thêm khoảng 100.000 cá thể cá sấu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do thua lỗ nên số lượng cá sấu nuôi thêm chỉ tăng gần 15.000 cá thể.
Hiện tổng số lượng cá sấu đang được người dân trong tỉnh nuôi vẫn còn hơn 189.000 cá thể, tập trung chủ yếu ở huyện Phước Long. Trước thực trạng giá cá sấu thấp chưa bán được, Chi cục đã khuyến cáo bà con nếu muốn giữ đàn chờ giá thì cần hạn chế cho cá sấu ăn để tiết kiệm chi phí, bởi cá sấu có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp với các ngành hữu quan, các địa phương rà soát, kiểm tra lại chuồng trại ở các hộ nuôi để phòng ngừa do giá rẻ bà con lơ là để cá sấu sổng chuồng gây nguy hiểm cho người dân ở địa phương.
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Hiện nay Bạc liêu có lợi thế là có trang trại được Cites công nhận cho phép mua bán cá sấu quốc tế, nhưng hiện nay chỉ có thị trường Trung Quốc nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cho nông dân. Sở Công Thương đang tìm thêm thị trường ở các nước trên thế giới, đảm bảo trạng trại Cites này xuất khẩu nhiều hơn, từ đó đảm bảo mua hết cá sấu của dân hi vọng giá cá sẽ tăng”.
Khó khăn trong nuôi cá sấu hiện nay tại Bạc Liêu chính là nông dân nuôi tự phát, nuôi theo phong trào không biết liên kết với nhau. Trong khi đó đầu ra của con cá sấu phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc và xuất chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch.
Chính vì không liên kết với nhau để định giá cho sản phẩm của mình, từ đó đưa ra một mức giá thu mua chung nên người nuôi đã để cho thương lái mặc sức thao túng thị trường, chèn ép giá. Việc xem xét thành lập Hiệp hội chăn nuôi cá sấu là vấn đề cần đặt ra.
Thông qua Hiệp hội này, không chỉ giúp ngành quản lý làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch cho phát triển nghề chăn nuôi động vật hoang dã gắn với công nghệ chế biến, mà còn làm tốt hơn công tác quản lý thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như lâu nay./.