Thương nhân Việt phải chi chục tỷ đồng để được bán nông sản trên Alibaba
Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico chia sẻ câu chuyện phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua gian hàng của Alibaba để bán nông sản Việt tại Trung Quốc.
Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp vừa diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, người đứng đầu ngành và nhiều địa phương bà Nguyễn Thị Thành Thực nói ra những khó khăn của những thương nhân, doanh nhân muốn phát triển nông nghiệp, đem thương hiệu nông sản Việt đi xa.
Đầu tiên là vốn, bà Thực cho rằng: Có không ít người khởi nghiệp (Startup) đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao, vay nợ nhưng rồi cuối cùng phá sản, mang nợ và mất cả đất đai.
Vì sao họ phải như vậy? Họ thiếu thông tin, họ không được tiếp cận khoa học kỹ thuật và đặc biệt là họ là người yếu thế nên các nhân tố đầu vào sản xuất của họ rất cao, chi phí sản phẩm cao và không có thị trường.
Là người từng đem tiền đi đầu tư, bà Thực cho rằng mong muốn lớn nhất của người kinh doanh nông nghiệp là họ có một trung tâm kinh tế nông nghiệp quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha để phô diễn tài năng, tập hợp đầu mối thương lái và khoa học kỹ thuật.
Đây sẽ là đầu mối tích tụ các khoa học công nghệ để cho các startup phát triển, đầu mối nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chính phủ ưu đãi cho họ để họ đến đó giao thương, không phải đi đâu nhiều.
"Tôi mong muốn chúng ta sớm có một trung tâm kinh tế nông nghiệp như thế, đầu tư lớn về dữ liệu, số liệu phân tích để ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp dự án hình thành và phát triển, các nhà khoa học đến đó bán những máy móc và dây truyền của mình", bà Thực gợi mở.
Bà này ví dụ: Muốn thành công, nhà nông phải đi thăm quan học hỏi thực tế. Một chuyến đi thăm quan thực tế của người nông dân có thể phải mất vài tấn thóc, 1 tấn lợn hơi. Nhưng kết quả trở về không khác gì với xe video clip trên mạng, rất xót xa!
"Chính phủ tốn tiền cho cán bộ nông nghiệp đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm, thì người dân phải tự bỏ tiền ra hàng triệu đồng để tự mình đi học hỏi. Nhưng kết quả cuối cùng khác nhau. Tại sao chúng ta ưu đãi được cho các ngành nghề điện tử, cho doanh nghiệp nước ngoài mà nông nghiệp - ngành có lợi thế và có nhiều ý tưởng lại không có những ưu tiên xứng tầm", bà Thực nói.
Về bài học thị trường đối với nông sản, bà Thực cho rằng, thị trường là nhân tố quyết định thành bại của nông sản Việt. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường số một của Việt Nam về nông sản, song chúng ta vẫn chưa quan tâm, chủ yếu xuất tiểu ngạch.
Đối với người làm thương mại ở Trung Quốc, ngay cả địa phương nhỏ họ cũng có hiệp hội để hỗ trợ tìm hiểu thị trường và xúc tiến đưa sản phẩm đi. Nhưng nhìn lại Việt Nam, chúng ta xuất khẩu hàng, làm thương mại ở thị trường Trung Quốc không có bất kỳ tổ chức nào đứng ra hỗ trợ, không có bất kỳ hiệp hội nào cả. Làm thương mại tự phát, nhỏ bé để xuất sang Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt vô cùng yếu thế.
Bà Thực chia sẻ một vấn đề thực tế là: "Muốn bán hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba tại Trung Quốc, doanh nghiệp chúng tôi phải đặt cọc hàng chục tỷ đồng và chúng tôi phải có kho hàng đảm bảo. Tuy nhiên, với số tiền lớn như vậy, không phải doanh nghiệp nào có thể làm được điều ấy, nhất là các doanh nghiệp nhỏ"./.
Nhiều “nút thắt” xuất khẩu nông sản Việt đang dần được tháo gỡ