Tiền Giang nỗ lực “cứu” hơn 15.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn trái vùng hạn mặn
VOV.VN - Sau khi thu hoạch xong 23.000 ha lúa Đông xuân chính vụ, các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang còn hơn 15.000 ha diện tích lúa Đông Xuân muộn, vườn cây ăn trái, hoa màu có nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt.
Ở thời điểm này, nguồn nước trong kênh mương nội đồng thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công và Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang bắt đầu cạn dần. Mực nước trung bình dưới kênh trục chính của khu vực này là -0,35m.
Trong khi đó, toàn vùng “ngọt hóa Gò Công” có hơn 15.000 ha gồm 12.000 ha các loại cây ăn trái, 2.000 ha màu, hơn 1.400 ha lúa Đông xuân muộn đang cần nguồn nước ngọt. Để cứu khát cho diện tích cây trồng trên, công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang tích cực lấy nước gạn tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) mỗi ngày khoảng 600.000m3 nước ngọt từ sông Tiền cấp bổ sung vào hệ thống thủy lợi. Chính quyền và người dân khu vực tổ chức khai thông dòng chảy, bơm chuyền, tích trữ nước. Tuy nhiên, có hàng trăm ha lúa Đông Xuân muộn ở các vùng hẻo lánh, xa nguồn nước có thể bị thiệt hại do khô hạn.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang khuyến cáo nông dân trồng lúa ở khu vực này cần thực hiện các biện pháp bơm chuyền, trữ nước đi đôi với tiết kiệm nguồn nước.
Theo ông Sơn: "Mấy đám ruộng trổ trước rồi cũng có hạt nhưng không trúng bằng vụ lúa Đông xuân. Cống Xuân Hòa chúng tôi vẫn lấy gạn, lấy dưới 1 phần nghìn. Nước mặn 1 phần nghìn sử dụng tốt, lúa chịu độ mặn đến 2 phần nghìn. Kênh mương hiện vẫn có nước, chúng tôi lấy nước gạn vô đủ cho lúa, màu, thanh long… đủ thứ cây trồng khác”./.