Tiêu thụ vải thiều: Chất lượng thôi chưa đủ
VOV.VN -Ngoài nỗ lực xúc tiến thương mại của các Bộ ngành, rất cần có thêm sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản.
>> Thêm 3 tấn vải thiều xuất khẩu sang Úc
>> Vải thiều Việt Nam nhận phản hồi tích cực tại thị trường Pháp
>> Cửa khẩu Lào Cai xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều/ngày
>> Vải thiều bán chạy tại Hàn Quốc
Tính tới thời điểm này, vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đã được xuất khẩu sang Mỹ, Australia và có mặt tại một số siêu thị ở Pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng vải xuất khẩu chính vẫn là trong nước và thị trường Trung Quốc.
Vừa mừng, vừa lo là tâm trạng chung của hàng nghìn chủ vườn vải ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lúc này. Nông dân vui vì giờ đây thương hiệu và chất lượng vải thiều Lục Ngạn được chấp nhận tại các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn, sản xuất khắt khe như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu.
Xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn được chọn làm điểm để xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu chất lượng cao của tỉnh Bắc Giang với gần 70 ha vải trồng theo quy trình Global Gap xuất khẩu sang Mỹ và Australia....
Thông tin thị trường Australia nhập khẩu vải thiều với giá cao giúp người trồng vải vui hơn. Nếu áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật, dự kiến giá 1 kg vải từ khoảng từ 10 đến 15 USD cao hơn 30% giá bán thị trường truyền thống, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân trồng vải đến 50% so với hiện tại...
Ông Nguyễn Văn Lưu, thôn kép 1 xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay gia đình ông trồng hơn 2 mẫu vải thiều, trong đó 1 mẫu trồng theo quy trình tiêu chuẩn Gobal Gap xuất khẩu đi Mỹ. Quy trình đòi hỏi dọn vườn, tỉa cành phun thuốc tưới nước có ghi chép sổ sách chi tiết và đầy đủ khác với quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGap.
Ông Nguyễn Văn Lưu - nông dân trồng vải tại vùng vải xuất khẩu |
“Chúng tôi sẽ cố gắng làm vải đẹp để xuất khẩu sang các nước khó tính như: Châu Âu, Australia Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Nếu như vài năm trước thì rất lo nhưng đến bây giờ đã nằm trong vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu đi Mỹ thì chúng tôi không lo, bởi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nên chúng tôi không lo đến chuyện đó nữa, còn những sản phẩm bình thường ngoài vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu chắc lo hơn chúng tôi,” ông Lưu chia sẻ.
Tuy nhiên, người dân lo lắng về những sản phẩm vải thiều không nằm trong vùng xuất khẩu với diện tích 9 nghìn 500 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap đang phải loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ...
Trước thời điểm thu hoạch vải thiều chính vụ khoảng 1 tháng, có nhiều đoàn doanh nghiệp về với địa phương tham quan và khảo sát các vùng trồng. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở “lời hứa” sẽ quay lại khi vải thu hoạch và nếu khi kiểm tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì sẽ thu mua cho bà con.
Doanh nghiệp Malaysia đến khảo sát vùng trồng vải theo Global Gap tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn |
Ông La Văn Nam ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn băn khoăn: Lo ngại nhất là sản phẩm làm tốt rồi không có người tiêu thụ. Làm ra sản phẩm mong muốn là bán được giá cao để nâng cao cải thiện thu nhập, đã bỏ công ra nhiều rồi cũng phải có thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra.
Lý giải nguyên nhân vì sao đến thời điểm này vẫn chưa thể ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân, ông Vũ Đào, Giám đốc công ty xuất khẩu nông sản Vũ Đào cho biết,doanh nghiệp còn phải chờ đến khi vải chín mới có thể kiểm tra sản phẩm cuối cùng có nhiễm các hoạt chất mà thị trường Mỹ và Australia cấm hay không, và mẫu mã có đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu hay không.
Nông dân chở vải đến các điểm cân của thương lái |
Từ nay đến khi vải thiều vào chính vụ thu hoạch còn khoảng nửa tháng, các công ty xuất khẩu vải thiều cũng đang thăm dò nhu cầu và phản ứng của người tiêu dùng ở những thị trường mới mở
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc công ty Rồng Đỏ - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản sang các thị trường Liên Minh Châu Âu, và mới đây là thị trường Mỹ, Australia chia sẻ: “Chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân nhưng giờ còn phải phụ thuộc vào các lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang các thị trường này. Phải chờ xem phản ứng và nhu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường mới mở sau đó mới tính đến mua thêm để xuất khẩu.”
Nông dân ghi chép quy trình sản xuất Global Gap vải vào sổ tay cá nhân |
Theo các chuyên gia, nếu xác định đa dạng hóa thị trường tiêu thụ vải thiều, không lệ thuộc vào một thị trường bất kỳ là cần thiết thì tất yếu phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nhất là trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về công nghệ bảo quản chiếu xạ trái cây. Cần những hợp đồng bao tiêu được ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân trước mỗi vụ vải, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Chính quyền địa phương cần vận động nông dân tuân thủ các quy trình sản xuất đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu./.