Trôi nổi nguồn cây giống phục vụ trồng rừng ở Bắc Kạn
VOV.VN - Với các loại cây giống được mua bán trôi nổi, dù khi giao cây vẫn xanh tốt nhưng quá trình sinh trưởng của cây có thể gặp nhiều rủi ro.
Thời gian qua, nhiều người trồng rừng tại Bắc Kạn mua cây giống trôi nổi dẫn đến chất lượng rừng trồng không đồng đều, nhiều diện tích phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp.
Cứ gần đến vụ trồng rừng, khá nhiều xe ô tô tải chở các loại cây giống keo, mỡ, quế... đi bán rong tại nhiều bản làng ở Bắc Kạn. Với người dân, dịch vụ này giúp họ mua được cây giống dễ dàng khi chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, thậm chí đặt hàng trên mạng xã hội. Tiện lợi thì thấy rõ nhưng chất lượng cây giống như thế nào thì chỉ sau một thời gian cây được trồng mới có thể xác định.
Ông Hoàng Văn Hùng, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm cho biết, vụ này nhiều hộ dân trong thôn đã mua cây giống do xe tải chở đến, sau một thời gian bảo quản xuất hiện một số cây bị bệnh, lá xoăn, táp nhưng không rõ nguyên nhân.
“Bây giờ để các hộ trồng rừng đi mua giống cây cũng không biết mua ở chỗ nào, cho nên xe tải đưa giống cây đến thấy tiện là bà con mua mà không rõ nguồn gốc ở đâu. Giá cây giống đang được bán 700 đồng/cây, trước kia đắt hơn là 1.000 đồng/cây”, ông Hùng cho biết.
Ngoài một số vườn ươm cây giống đã được cấp phép và có sự giám sát về chất lượng cây giống của Kiểm lâm, như Xí nghiệp Giống và thiết kế lâm nghiệp Nông Thịnh, Vườn ươm Nà Pài hay Cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống Mạnh Minh... bảo đảm cung cấp đủ giống cây trồng chất lượng cao cho các hộ trồng rừng. Tuy nhiên, vụ trồng rừng 2021 đã gần kết thúc nhưng hầu hết các cơ sở này đều còn tồn từ 50-60% lượng cây con.
Chị Hà Thị Tuyết, cán bộ Xí nghiệp Giống và thiết kế lâm nghiệp Nông Thịnh cho biết, nguyên nhân là trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hàng chục vườn ươm quy mô hộ gia đình, chưa kể nguồn cây giống do thương lái tư nhân đưa về từ các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái... với giá thành thấp hơn từ 10-15%.
“Cây giống ở các tỉnh khác đưa về Bắc Kạn nhiều giá lại rẻ hơn nên cây ở đây giá thành cao không cạnh tranh nổi. Chất lượng cây ở đây có thể biết rõ nhưng không cạnh tranh được do chi phí quá nhiều, gánh nhiều thứ như chứng từ, chứng nhận nguồn gốc trong khi giống cây của các hộ dân không phải thực hiện quy trình này”, chị Tuyết lý giải.
Lãnh đạo một số Hạt Kiểm lâm cũng cho biết, cây giống từ các vườn ươm được cấp phép thường phát triển tốt, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Tuy vậy, với nguồn cây giống trôi nổi, lực lượng kiểm lâm khá lúng túng trong việc xử lý.
Đơn cử như đầu tháng 4/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn phát hiện 1 xe tải chở cây giống đi bán dạo tại một số xã, chủ hàng khai nhận lấy cây giống từ tỉnh Lạng Sơn nhưng không xuất trình đủ giấy tờ hợp lệ. Biện pháp xử lý cũng chỉ là tịch thu số cây còn lại rồi cho tiêu hủy. Gần đây nhất, Hạt Kiểm lâm Thành phố Bắc Kạn phát hiện 1 xe tải chở khoảng 1 vạn cây quế không có giấy tờ vận chuyển, nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ có thể trục xuất xe hàng ra khỏi địa phương.
Ông Đặng Văn Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền tới bà con khi mua cây giống trồng rừng cần lấy ở những nhà vườn có úy tín, không được mua loài giống trôi nổi và một số hộ cá thể họ vận chuyển bằng ô tô và xe máy. Các chủ vườn ươm cũng được yêu cầu phải ký cam kết không đưa những nguồn giống không được phép không được công bố để đưa vào sản xuất.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để bảo đảm chất lượng cây giống, các cơ sở ươm cây cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn hạt giống, loại trừ mầm bệnh, đảo bầu, hãm cây... đúng quy trình. Với các loại cây giống được mua bán trôi nổi, dù khi giao cây vẫn xanh tốt nhưng quá trình sinh trưởng của cây có thể gặp nhiều rủi ro.
Chính vì vậy, người trồng rừng cần nâng cao nhận thức, chọn đúng loại cây phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây sạch bệnh, chỉ số phát triển tốt để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong sản xuất./.