Trục lợi từ giá xăng đến bao giờ?
VOV.VN -Từ tháng 7 đến nay, xăng dầu giảm giá hơn 7.000 đồng/lít (giảm trên 30%), nhưng giá các mặt hàng dịch vụ không hề nhúc nhích.
Trong khi đó, mỗi khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải, hàng hóa, dịch vụ lập tức “té nước theo mưa” tăng vùn vụt.
Với đợt giá xăng, dầu giảm mạnh tương ứng 2.050 đồng/lít xăng và 1.420 đồng/lít dầu ngày 22/12 vừa qua khiến nhiều người hy vọng cước vận tải, giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm theo. Thế nhưng, giá cước vận tải, giá cả hàng hóa dịch vụ vẫn không nhúc nhích.
Có một điều rất nghịch lý, các hãng vận tải luôn nại lý do xăng dầu chiếm 40 – 50% giá cước để điều chỉnh giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, từ giữa năm đến nay giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí một số hãng vận tải vẫn giữ nguyên giá cước.
Theo ghi nhận của phóng viên, tới nay mức giảm cước taxi sâu nhất cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/km.
Bất chấp sự sốt ruột của người dân khi giá xăng dầu giảm mạnh, các hãng vận tải vẫn án binh bất động. Bổn cũ vẫn được họ soạn lại với lý do: Còn phải tính lộ trình giảm giá, phương án giảm giá, giá vé phù hợp đủ cạnh tranh với hang khác… Nói tóm lại rất nhiều “vướng mắc” được các hãng vận tải vẽ ra để chây ỳ không chịu giảm giá cước. Thậm chí, các hãng vận tải còn đùn đẩy trách nhiệm sang các Sở tài chính địa phương khi cho rằng thủ tục hành chính kê khai tăng, giảm giá cước còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian.
Ở tầm vĩ mô, các hiệp hội – vận tải lại đưa ra lý do giá xăng, dầu diễn biến rất phức tạp, lúc lên, lúc xuống thất thường. Bởi vậy, nếu hãng vận tải điều chỉnh giá ngay thì sẽ rất tốn kém khi phải điều chỉnh lại đồng hồ tính cước, in lại bảng biểu…
Và như vậy, khi cước vận tải còn rất nhiều lý do chưa thể giảm ngay thì rõ ràng giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng vin cớ để chưa thể giảm ngay.
Theo khảo sát của phóng viên, giá cả của các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả, thịt, hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí còn tăng. Cụ thể, tại chợ Chùa Láng (Hà Nội), giá cà chua hiện ở mức từ 17.000 – 20.000 đồng’kg, rau muống 5000 đồng/bó, rau cải 8.000 – 10.000 đồng/kg… Thịt lợn ba chỉ 80 – 100.000 đồng/kg, xương sườn 90 – 110.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 vẫn giữ mức 250.000 đồng/kg, mực ống 180 – 200.000đồng/kg…
Một tiểu thương tại chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết, hiện nay các đầu mối vận chuyển rau xanh, thịt lợn… ở ngoại thành vào nội đô bằng xe máy, ô tô. Khi hang vận tải chưa giảm giá cước thì giá rau xanh, thịt lợn… cũng chưa thể giảm.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, giá cước vận tải không nằm trong diện bình ổn giá khiến các cơ quan chức năng không có “cây gậy” pháp lý để giám sát, xử phạt các hãng vận tải. Bởi vậy, động thái mạnh mẽ nhất của cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại bằng “mệnh lệnh” hành chính yêu cầu hãng vận tải tiến hành kê khai giảm giá cước theo giá xăng dầu giảm. Trường hợp doanh nghiệp không kê khai giảm giá cước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP./.