Vì sao giá dầu thô thế giới chạm đáy?
VOV.VN - Nhu cầu dầu cạn kiệt do tình trạng phong tỏa vì đại dịch Covid-19 đã khiến giá dầu chạm đáy. Các nhà sản xuất dầu giờ đang lo thiếu kho dự trữ.
Theo Bloomberg, nhu cầu dầu cạn kiệt do tình trạng phong tỏa vì đại dịch Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới đã khiến giá dầu thế giới lao dốc không phanh, hiện đã chạm ngưỡng thấp kỷ lục.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô thế giới xuống mức -37 USD/thùng. Theo Oilprice.com, chi phí đóng một giếng dầu rất lớn và quá trình thực hiện rất phức tạp, khiến cho một số nhà sản xuất chấp nhận bán dầu dưới giá vốn, thậm chí là giá âm trong ngắn hạn, đợi giá dầu hồi phục. Tuy nhiên nếu giá cứ duy trì ở mức thấp, nhiều giếng dầu sẽ phải đóng lại.
Đáng chú ý, đầu phiên sáng 20/4 (giờ Mỹ), giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm tới 76%, còn 4,31 USD/thùng. Đây là/mức giá thấp nhất trong lịch sử. Giá dầu Brent giao tháng 6 cũng giảm 5,6% xuống còn 26,49 USD/thùng. Chỉ vài giờ sau, lần đầu tiên dầu thô WTI được giao dịch với mức giá âm trong lịch sử nước Mỹ. Giá một thùng dầu WTI lúc thấp nhất ở mức khoảng -40 USD.
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất dầu trả tiền cho người mua để tiêu thụ sản phẩm này với không ngừng lo lắng rằng các kho dự trữ có thể sẽ hết sức chứa vào tháng 5.
Các nhà sản xuất dầu ở Bắc Mỹ hiện đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về các kho chứa dầu bởi mặt hàng "vàng đen" đang bị tồn đọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu về dầu mỏ - Rystad Energy, nhận định, vấn đề cung - cầu dầu toàn cầu không cân đối, gây áp lực lớn lên giá cả mặt hàng này. Khi sản lượng chưa được cắt giảm mạnh, nhu cầu chạm đáy thì các kho dầu đang không còn chỗ chứa.
Theo Guardian, hiện có khoảng 160 triệu thùng dầu đang nằm trong các kho "siêu to khổng lồ" ở bên ngoài các cảng trung chuyển của thế giới, và tình hình trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn khi nhu cầu dầu thô chạm mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua do virus Corona.
Vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2009, lượng dầu tồn cũng ở mức cao ngất ngưởng, nhưng khi ấy cũng mới chỉ hơn 100 triệu thùng, và ngay sau đó nền kinh tế dần hồi phục trở lại khiến nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.
Hiện các nhà quan sát thị trường kỳ vọng giá dầu toàn cầu có thể bật tăng trở lại trong nửa sau năm 2020 khi các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 được dỡ bỏ, nhu cầu đi lại tăng cao, lượng mua dầu tăng mạnh.../.