Vì sao người Việt khó “yêu” hàng Việt?
VOV.VN -Người tiêu dùng cho rằng, hàng Việt rất khó “yêu” bởi giá không rẻ hơn hàng ngoại mà chất lượng lại chưa được khẳng định rõ ràng.
Thay vì mua hàng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng trong nước sẵn sàng chi gấp đôi, thậm chí gấp 3, để sở hữu hàng hóa nhập ngoại có cùng chủng loại, từ hàng điện tử, thực phẩm đến những món đồ gia dụng hàng ngày như cọ sàn hay bông tăm.
Thiếu niềm tin vào chất lượng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hàng hoá từ khắp nơi trên thế giới đang tràn vào thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam có thể mua hàng hoá từ mọi quốc gia, do đó hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu trên sân nhà. Rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam chê hàng Việt và "yêu" hàng ngoại, chủ yếu bởi chất lượng, chứ không phải giá cả.
Hoa quả nhập khẩu đang lấn át trái cây Việt. (Ảnh minh họa: Trần Ngọc). |
Là người nội trợ chính trong nhà, bà Hoa ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Khi vào siêu thị, tôi thường chọn mua đồ nhập khẩu vì giá cả nhiều mặt hàng cũng không cao hơn nhiều so với hàng sản xuất tại Việt Nam.”
Bà Hoa ví dụ các hàng hóa thông thường như cọ sàn nhà, bông tăm, hay sữa tắm trẻ em giá chỉ nhỉnh hơn trong nước một chút, nhưng chất lượng lại khác hoàn toàn, sử dụng yên tâm hơn vì chất lượng đã được chứng nhận. Đặc biệt là các loại hàng nhựa, nhiều hàng Thái Lan còn rẻ hơn cả hàng Việt, mà mẫu mã và kiểu dáng lại phong phú hơn nhiều.
Hàng điện tử “made-in-Vietnam” vẫn chưa phải là thương hiệu mạnh. Anh Tiến ở Đông Anh, Hà Nội, cho biết mỗi khi gia đình anh mua sắm đồ có giá trị như điều hòa, TV, tủ lạnh, lò vi sóng, bếp ga... thường vào hẳn trung tâm thành phố để mua sắm ở các khu thương mại lớn như Vincom, Times City, Royal City, hoặc các siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, HC, MediaMart... vì an tin ở đó đảm bảo chất lượng.
“Mặt hàng điện tử sản xuất tại Việt Nam không nhiều, chất lượng cũng không rõ ràng, nên tốt nhất là chọn hàng nhập khẩu cho chắc ăn,” anh Tiến nói.
Có một thực tế đáng quan ngại hơn là khách hàng càng có tiền thì họ càng hay tìm kiếm hàng ngoại nhập. Không chỉ những mặt hàng điện tử, thực phẩm mà cả những món đồ nhỏ hàng ngày như tăm, giấy vệ sinh... Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua tăm bông Thái Lan, cọ nhà vệ sinh Nhật Bản, kem đánh răng Mỹ. Còn chuyện mua sữa Nhật, thịt bò Úc, nho Mỹ, giày Italia thường là lựa chọn ưu tiên của dân có tiền.
Chị Mai ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết, mỗi khi đi siêu thị, chị ít khi xem hàng Việt Nam bởi tin rằng mẫu mã và chất lượng của chúng kém hơn hàng ngoại. Ngay cả bàn chải cọ bồn cầu chị cũng chọn hàng Nhật bởi lông bàn chải mềm, cọ sạch được mọi ngóc ngách, không làm xước men... mặc dù giá khá “chát”, đắt hơn hàng Việt Nam 3 lần.
Tương tự, các sản phẩm từ bột giặt, nước rửa chén, kem đánh răng, khăn mặt, dép đi trong nhà của chị Lan ở Thanh Xuân, Hà Nội đều là hàng Thái Lan hoặc Nhật Bản. Theo lý giải của chị, những mặt hàng này có chất lượng tốt và giá cả cũng không đắt hơn hàng Việt nhiều.
Doanh nghiệp trong nước có lo “mất sân”?
Khi tâm lý sính ngoại của người Việt và nền sản xuất của Việt Nam vẫn chưa thay đổi thì hàng Việt khó tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước. Các cuộc phát động “người Việt dùng hàng Việt” đã được phát động nhiều năm nay. Nhiều hội chợ, triển lãm “hàng Việt Nam chất lượng cao” đã được tổ chức, song hàng Việt vẫn chưa thể lấn át được hàng ngoại, dù nhiều mặt hàng cũng có “tiếng tăm”.
Chị Thanh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội kể lại câu chuyện thật như đùa khi đi mua giày “made-in-Việt Nam”. Chị Thanh băn khoăn: giày dép, quần áo Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu, chinh phục được cả thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, vậy thì tại sao người Việt mình lại phải đi mua giày “Tây”. Chị quyết định dùng thử hàng Việt và thấy rất “OK” và cứ đi mua giày dép, quần áo sản xuất trong nước dùng với niềm tin về chất lượng đảm bảo, giá lại rẻ vì không mất công vận chuyển, thuế má.
Niềm tin đó của chị Thanh chẳng được bao lâu khi tình cờ chị hỏi người bán hàng: “Sao hàng tốt mà giá lại rẻ?”. Chủ cửa hàng trả lời: “Hàng không xuất được vì lỗi, không đủ tiêu chuẩn xuất nên mới có giá như thế, chứ bình thường ở bên kia (thị trường nước ngoài) người ta bán giá cao gấp mấy lần”. Nếu thế, hóa ra từ xưa đến nay mình vẫn dùng hàng lỗi à? chị Thanh vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Các doanh nghiệp trong nước hết lao đao vì hàng Trung Quốc tràn ngập giờ lại lo cạnh tranh thương hiệu và giá cả khi các hiệp định thương mại đã, đang và sẽ được ký kết. Theo đó, hàng nhập khẩu sẽ dễ dàng vào thị trường Việt Nam hơn.
Nếu các doanh nghiệp không tận dụng cơ hội này để tìm được xuất ngoại, và không thành công trong việc tiếp cận người tiêu dùng trong nước, thì họ sẽ “chết” trên sân nhà.
Thị trường Việt với hơn 90 triệu dân được coi là mảnh đất màu mỡ đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Họ đang tranh thủ cơ hội “nhảy” vào Việt Nam, trong khi đó các nhà sản xuất nội địa chưa tìm ra cách đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị và các hệ thống cửa hàng chất lượng cao.
Lĩnh vực nông sản Việt Nam đang là 1 ví dụ khi cứ tìm đường ra nước ngoài mà coi nhẹ thị trường nội địa. Điều này dẫn đến tình trạng hoa quả ngoại chiếm ưu thế trong các siêu thị lớn của Việt Nam còn hàng Việt phải ra... vỉa hè.
Chia sẻ trên Báo Đất Việt, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, muốn bỏ tiền để yêu hàng Việt cũng khó. Người tiêu dùng khi mua hàng đều quan tâm đến chất lượng mặt hàng, giá cả cạnh tranh, và thương hiệu đảm bảo uy tín. Nếu hàng Việt thoả mãn ba điều kiện này chẳng tội gì người Việt Nam lại đi mua hàng ngoại./.