Việt Nam – New Zealand thông quan nông sản qua chứng nhận điện tử
VOV.VN - Việt Nam – New Zealand đã ký Thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản thông qua chứng nhận điện tử.
Chiều 21/7, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai với Đại sứ New Zealand tại Việt Nam - bà Wendy Matthews.
Tại lễ ký, các bên liên quan đánh giá cao việc ký kết Thỏa thuận hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm. Đây là phương pháp trao đổi thông tin đồng thuận trực tuyến giữa cơ quan chính phủ các nước nhằm tạo thuận lợi cho thông quan các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của New Zealand trong những năm qua, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, tăng cường giao thương các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng vai trò quan trọng đảm bảo hợp tác thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và New Zealand ngày càng phát triển. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 nước đạt khoảng 1,2 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản chiếm gần một nửa.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ: "Thỏa thuận ký kết có ý nghĩa quan trọng để giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời mở ra nhiều khả năng tiếp cận đối với các thị trường tiềm năng khác đối với nông sản của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, với nỗ lực của các bên liên quan chúng ta sẽ sớm triển khai các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để thông quan sản phẩm nông sản giữa 2 bên".
Về phần mình, bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam khẳng định: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp xuất khẩu của New Zealand cũng đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi chúng ta chuyển lên chứng nhận điện tử sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp thay trong bối cảnh khi các chuyến bay cũng như các lô hàng nông sản còn có nhiều hạn chế do đại dịch Covid-19.
Chúng tôi hy vọng đây không chỉ là thành quả của mô hình ứng dụng tốt giữa 2 quốc gia mà Việt Nam còn có thể nhân rộng cách làm này đối với các quốc gia khác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp".
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu đang ngày một diễn biến phức tạp, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và công nghệ cũng đang có những bước tiến vượt bậc, đã bộc lộ rõ tầm quan trọng trong việc thiết lập hệ thống trao đổi thông tin nhanh, an toàn và đáng tin cậy thông qua các giải pháp trực tuyến.
Chính vì vậy, càng ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn từ bỏ hệ thống văn bản giấy và thay thế bằng các giải pháp trực tuyến có tính bảo mật cao. Việc trực tiếp trao đổi các dữ liệu chứng nhận điện tử giúp đơn giản hóa các quy trình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, cũng như đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm giá thành, tăng cường độ tin cậy và tính minh bạch, đồng thời giảm thiểu tối đa khả năng gian lận trong giao thương hàng hóa.
Do đó, việc thành lập hệ thống này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cán bộ hải quan của hai nước./.