Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc: Nghi án gian lận hơn nửa tỷ USD

VOV.VN -Số liệu xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam - Trung Quốc do Hải quan hai bên cung cấp “vênh” nhau gần 600 triệu USD, dấy lên nghi ngờ về gian lận.

Theo số liệu thống kế từ tổ chức Forest Trends, sự chênh lệch về thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc tương đối lớn. Trong đó, số liệu thống kê từ Hải Quan Trung Quốc lớn hơn số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam.

“Vênh” nhau về số liệu hải quan - do thống kê hay gian lận?

Báo cáo mới đây của Forest Trends về “Thương mại gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc: Thực trạng và xu hướng” cho biết, năm 2014, theo thống kê từ Hải Quan Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ giữa hai nước là 1.439,1 triệu USD. Tuy nhiên, con số từ Hải quan Việt Nam chỉ 845,1 triệu USD, chênh lệch tới 594 triệu USD.

Gỗ là mặt hàng Việt Nam xuất siêu sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi quan hệ thương mại với tất cả hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc thâm hụt cho phía Việt Nam với quy mô hàng năm trên 20 tỷ USD thì thương mại các mặt hàng gỗ giữa hai nước lại đang thặng dư cho Việt Nam với mức trung bình trên 600 triệu USD/năm.

Báo cáo chỉ ra sự chênh lệch rất lớn về kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ giữa 2 nguồn số liệu thống kê từ Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam. So với năm 2012, con số chênh lệch năm 2013 cao hơn gấp 1,5 lần (từ 125 triệu USD lên 184 triệu USD). Tuy nhiên, con số chênh lệch sau đó tăng vọt, khoảng 3,2 lần, ở mức 184 triệu USD (năm 2013) lên gần 600 triệu USD năm 2014.

TS. Tô Xuân Phúc, đại diện tổ chức Forest Trend, đồng thời cũng là một trong những tác giả của Báo cáo, cho rằng đã có những bằng chứng cho thấy một số doanh nghiệp kê khai giá xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào nhằm trốn/giảm thuế.

Gian lận thương mại bao gồm cả trốn thuế là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt lớn giữa 2 nguồn dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ thông tin để có thể đánh giá về vai trò của gian lận thương mại trong cơ cấu chênh lệch về giá trị xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia, TS. Phúc nhận định.

Theo TS. Phúc, con số khai báo về giá trị và lượng xuất khẩu khác với giá trị thực của sản phẩm làm “méo mó” thị trường, và điều này mang đến một số hệ lụy. Cụ thể, từ khía cạnh quản lý, các con số ‘ảo’ này làm cho các cơ quan quản lý không có những thông tin tin cậy về quy mô và xu hướng biến động và thay đổi của thị trường. Gian lận thương mại cũng gây ra sự thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương chia sẻ, doanh nghiệp nào cũng mong muốn giảm được thuế, mặt khác khi làm việc với đối tác Trung Quốc, họ mua hàng, trả tiền trực tiếp tại Đồng Kỵ nhưng vận chuyển thì lại do đơn vị khác, họ tính theo khối lượng và có thể nhận tiền tại Trung Quốc nên số liệu vênh. “Giá trị thực tế không thể hiện qua số liệu hải quan, hải quan chỉ tính giá trị trên giấy tờ. Ví dụ bán 1 bộ bàn ghế hàng trăm triệu nhưng thực tế hóa đơn chỉ 14- 15 triệu…”, ông Vương cho biết.

Tuy nhiên, bàn về con số chênh lệch này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định, sự chênh lệch này không có gì nghiêm trọng.

“Vấn đề này xảy ra muôn thuở trên thế giới, không bao giờ có số liệu giống nhau vì thống kê giữa hai nước hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua 29 cửa khẩu và định mức của Việt Nam và Trung Quốc cũng khác nhau nên không thể có sỗ liệu rõ ràng”, ông Quyền khẳng định.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho rằng, sự chênh lệch số liệu thống kê cũng không ảnh hưởng lớn tới sản xuất, xuất khẩu trong nước. Hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc đều được miễn thuế nên tăng hay giảm, vênh nhiều hay ít cũng không phải là vấn đề lớn.

Gỗ Việt Nam chưa thể thoát Trung Quốc

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho ngành chế biến và thương mại gỗ của Việt Nam. “Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc không chỉ thể hiện ở giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn là nhu cầu khổng lồ về các mặt hàng gỗ từ Việt Nam. Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn có tiềm năng duy trì và mở rộng thị trường này”, ông Quyền nhận định.

Ông Nguyễn Tôn Quyền phát biểu tại Hội thảo về thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc, tổ chức tại Hà Nội ngày 15/9.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 845,1 triệu USD, chiếm 6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0,5% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu (43,87 tỷ USD) của Việt Nam từ quốc gia này.

Nhìn chung, giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ Trung Quốc theo xu hướng tăng trưởng đều, khoảng 6,5%/năm trong giai đoạn 2012-2014. Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu đạt 229,7 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này chứng tỏ nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ của Trung Quốc từ Việt Nam ngày càng tăng.

Gần đây, việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ đã làm thay đổi cấu trúc thương mại song phương không chỉ đối với các mặt hàng gỗ mà còn tất cả các mặt hàng khác. Mặc dù, đến nay chưa đánh giá tác động cụ thể của việc phá giá đồng Nhân dân tệ đối với ngành gỗ tuy nhiên, Hiệp hội Gỗ cho rằng phá giá đồng Nhân dân tệ thể hiện sự giảm tốc trong phát triển kinh tế Trung Quốc, và giảm cầu tại thị trường này đối với sản phẩm gỗ, đặc biệt là gỗ quý. Điều này tác động trực tiếp đến thương mại các mặt hàng gỗ thuộc gỗ quý giữa hai quốc gia.

TS. Tô Xuân Phúc lưu ý, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng cạn kiệt, hình thức xuất khẩu hiện tại phản ánh những ưu tiên ngắn hạn, vì lợi ích trước mắt, dựa vào khai thác tài nguyên thô và lao động giá rẻ, sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu của một số doanh nghiệp tham gia thị trường.

“Điều này thể hiện sự yếu kém của ngành gỗ Việt Nam khi tham gia vào thương mại các mặt hàng gỗ với Trung Quốc, đồng thời phản ánh tính không bền vững của ngành gỗ hiện nay,” TS. Phúc nhấn mạnh.

Đại diện tổ chức Forest Trends cho rằng, hội nhập thị trường thông qua việc tham gia tích cực của Chính phủ vào các FTA vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho ngành gỗ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, bền vững. Mặt khác, việc sắp xếp và tổ chức lại hình thức sản xuất kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc siết chặt quản lý và loại bỏ dần các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên những lợi ích ngắn hạn, khai thác tận kiệt tài nguyên, tranh thủ lao động giá rẻ và công nghệ chế biến lạc hậu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp
DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

VOV.VN -Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào để án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp để mở rộng thị trường, tăng nguồn cung nguyên liệu…

DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

DN xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

VOV.VN -Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng vào để án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp để mở rộng thị trường, tăng nguồn cung nguyên liệu…

Gỗ giúp Việt Nam giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc
Gỗ giúp Việt Nam giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc

VOV.VN - Với kim ngạch trên 800 triệu USD mỗi năm, xuất khẩu gỗ giúp Việt Nam giúp Việt Nam giảm đáng kể thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Gỗ giúp Việt Nam giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc

Gỗ giúp Việt Nam giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc

VOV.VN - Với kim ngạch trên 800 triệu USD mỗi năm, xuất khẩu gỗ giúp Việt Nam giúp Việt Nam giảm đáng kể thâm hụt thương mại với Trung Quốc.