Thiệt hại kinh tế do Covid-19 trong 2 năm lên tới trên 500 nghìn tỷ đồng
VOV.VN - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ghi nhận hàng loạt ý kiến đề xuất, kiến nghị giải pháp để Việt Nam thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội do tác động của Covid-19.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5/12 diễn ra Tọa đàm cấp cao “một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Đâu là động lực tăng trưởng để phục hồi?
Ông Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thiệt hại trong 2 năm 2020 và 2021 ước tính trên 500 nghìn tỷ đồng (tính theo giá 2010), còn nếu tính theo giá hiện hành lên tới 37 tỷ USD.
Đặt vấn đề đâu là động lực tăng trưởng để phục hồi, ông Phong nhấn mạnh nền Việt Nam có đổ mở lớn nên cần đầu tư để vừa tăng cầu, tăng sản lượng tiềm năng, mở rộng khả năng cung ứng; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và ứng dụng công nghệ số để đổi mới sản xuất, tiêu dùng và đầu tư hiệu quả. Trong đó đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ và tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm, còn chuyển đổi số là yếu tố thời đại cần chú trọng.
Kinh nghiệm phát triển của Việt Nam cho thấy yếu tố quan trọng là “neo giữ kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư”. Giai đoạn 2011-2015, khi đó nền kinh tế Việt Nam khá bất ổn, song tăng trưởng vẫn ở mức cao hàng đầu ở ASEAN vì tăng trưởng xuất nhập khẩu cao, vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 2,54%. Do đó, việc xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư trong nước là điều kiện quan trọng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng đầu tư của Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt khi vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ để tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Trong điều kiện bình thường mới thì vai trò đầu tư Nhà nước vẫn giữ tiên phong để thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế Việt Nam cả về cung và cầu.
“Để khơi thông 2 động lực là tiêu dùng nội địa và xuất khẩu thì phải có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất cho DN bằng việc hỗ trợ chi phí phòng, chữa bệnh, thuê nhà ở của người lao động, chi phí trợ cấp công nhân hay nghĩa vụ thuế...” – ông Nguyễn Thanh Phong nêu ý kiến
Phân tích sâu về kinh tế số, ông Bùi Nhật Quang – Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng ứng phó với dịch bệnh cũng là cơ hội để xem xét lại quá trình phục hồi tăng trưởng và thực hiện các khâu đột phá chiến lược, tái cấu trúc mô hình kinh tế cho phù hợp và kinh tế số là giải pháp quan trọng.
“Nước ta còn dư địa lớn phát triển kinh tế số so với các nước có xuất phát điểm tương đồng để từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Kinh tế số giúp tái cơ cấu có ngành nghề mới; chọn một vài khâu đột phá để vượt lên so với các quốc gia” – ông Quang nói, đồng thời cho rằng tăng cường công nghệ không khó quan trọng là gắn với nó là hoàn thiện chính sách, thể chế.
Ông Francois Panchaud – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam thì nhấn mạnh Việt Nam cần đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên, quan trọng nhất cả về tài khoá và tiền tệ. “Việt Nam rất vả mới xây dựng được uy tín như hiện nay nhưng có thể sẽ mất rất nhanh nên cần ổn định kinh tế vĩ mô” – ông lưu ý.
Khuyến nghị cần đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống y tế và an sinh xã hội, quan tâm chương trình dành cho người lao động khu vực phi chính thức, có các chương trình kịp thời, dễ tiếp cận, đại diện của IMF cho rằng trong tương lai rất có thể có những cuộc khủng hoảng mới nên cần cơ chế để ứng phó phù hợp.
Ông Francois Panchaud cũng tin tưởng Việt Nam có cơ hội rất lớn để phục hồi cũng như đầu tư dài hạn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi nền kinh tế thông qua cải thiện khả năng kết nối số hoá cũng như Chính phủ điện tử để hoạt động hiệu quả hơn.
Nên đặt hàng tư nhân để giải ngân?
Đặt vấn đề cần tăng nguồn lực nhưng nền kinh tế liệu có hấp thụ được hay không, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Đại học KTQD, đại biểu Quốc hội khoá XV phân tích cần xem tốc độ chuyển vốn vào hoạt động đầu tư phát triển và tăng trưởng tín dụng có đạt hay không.
Giải ngân đầu tư công hiện chưa được 70% trong khi còn 1 tháng nữa thì khó về đích, hoặc có cán đích cũng chưa chắc nền kinh tế hấp thụ được. Tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng trên 8% cũng cho thấy vốn vào nền kinh tế thấp. Nguy hiểm hơn, chuyển vốn không vào sản xuất hay không hay là đẩy sang khu vực đầu cơ như bất động sản hay chứng khoán.
Cho rằng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có vấn đề, song theo ông Hoàng Văn Cường, không vì thế mà chúng ta không tăng đầu tư. Để giải quyết vấn đề này cần thúc đẩy giải ngân nhanh, đi vào công trình tạo động lực; tiếp cận nguồn vốn tín dụng để DN có vốn và kiểm soát được dòng vốn đó đi vào lĩnh vực mong muốn đầu tư.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng đề nghị phải thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho DN, không nên câu nệ tài sản thuế chấp, tài sản bảo đảm bảo mà chuyên sang ngân hàng đồng hành cùng DN, giải ngân theo hợp đồng cần vốn. “Quan trọng là dòng tiền đi đâu, vay làm gì. Việc hạn chế tiền mặt thì tiền đi đâu ngân hàng đều kiểm soát được, không có chuyện chuyển lòng vòng rút ra trục lợi” – ông Cường nói.
Với đầu tư công, vị đại biểu Quốc hội khoá XV nêu quan điểm “điều kiện đặc biệt phải thực hiện giải pháp đặc biệt”, theo đó cần thiết phải đặt hàng tư nhân thực hiện phát triển công trình sẽ vừa nhanh, vừa hiệu quả như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở đô thị. Hay đặt hàng tạo ra các ngành sản xuất mang tính trụ cột như đường sắt đô thị, dịch vụ hậu cần biển.
“Hay nói chuyển đổi số, kinh tế số nhưng Chính phủ đầu tư gì về hạ tầng để đảm bảo phát triển? Ta phải đi đầu, làm chủ chứ không phải đi sau, đi theo” – ông Hoàng Văn Cường đặt vấn đề và cho rằng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam – bà Carolyn Turk cũng gửi 4 khuyến nghị tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Trước hết cần tiếp tục đầu tư cho y tế. Việt Nam đang làm tốt công tác bao phủ vaccine, song cũng phải đẩy mạnh đặt hàng cũng như phân phối vaccine, củng cộ hệ thống y tế hậu đại dịch.
Về chính sách tài khoá và tiền tệ, chuyên gia cho rằng vốn cần phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu, trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đầu tư hiệu quả, phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn.
Bà cũng đề nghị cân nhắc tính hiệu quả không chỉ trong DN mà còn cả hoạt động của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh áp dụng cơ chế số hoá. Chính phủ Việt Nam có bước đi tích cực nhưng còn nhiều việc phải và cần tính đầu tư cho DN ứng dụng công nghệ số mới, giúp Việt Nam giữ tiên phong trong đổi mới công nghệ - là động lực cho phục hồi và phát triển.
Cũng theo Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nên cân nhắc về tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho cá nhân vì hiện còn thấp. Bà cũng tin rằng còn dư địa tài khoá để làm việc này và để hiệu quả thì cần hành động quyết liệt với mục tiêu cụ thể, rõ ràng./.