Thoát nghèo nhờ phát triển du lịch ở “thiên đường mây” Tây Bắc
VOV.VN - Phát triển dịch vụ du lịch ở Y Tý (Lào Cai) đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Những năm gần đây, xã Y Tý, huyện Bát Xát là một điểm du lịch mới được coi như Sa Pa thứ hai ở Lào Cai. Đến với Y Tý, du khách sẽ được trải nghiệm nét đẹp mộc mạc, hoang sơ, không ầm ỹ, xô bồ như ở Sa Pa. Làm gì để du lịch Y Tý phát triển bền vững mà không mất đi vẻ đẹp tự nhiên và cũng là để người dân nơi đây thoát được đói, giảm nghèo đang là bài toán đặt ra cho chính quyền tỉnh Lào Cai?
Nếu như trước đây, nói đến du lịch Lào Cai, nhiều người sẽ chỉ nhắc đến Sa Pa. Trong vài năm trở lại đây, khách du lịch đã bắt đầu tìm đến khám phá vùng đất Y Tý, nơi có những khu rừng già nguyên sinh, ruộng bậc thang, cùng với phong tục bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Du lịch đang từng bước xóa đói, giảm nghèo ở Y Tý |
Vào mùa mưa, Y Tý đẹp với những danh thắng như: Thác Ong chúa, thác Rồng, thác Ba tầng, động Phìn Ngan,… đỉnh PuTaLeng. Mùa lúa chín ruộng bậc thang ở Y Tý, A Lù, Ngải Thầu… cũng là nơi săn ảnh tuyệt vời với những du khách yêu cảnh sắc núi rừng.
Anh Nguyễn Mạnh Hải, một du khách Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi Sa Pa bao giờ cũng đi sang Y Tý bởi vẻ đẹp hoang sơ nơi đây….Tháng 11 là thời điểm hoa Dã Quỳ đẹp nhất ở Y Tý”.
Y Tý là một vùng đất nghèo ven biên giới, đặc biệt khó khăn. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển lâu dài, nên tỉnh Lào Cai đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển du lịch nơi đây. Trong thời gian qua, nhiều hộ dân đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ homestay. Để hỗ trợ bà con, các cơ quan, đoàn thể chính quyền địa phương đã giúp người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng cách tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên.
Anh Ly Xá Xuy (ở thôn Mò Phú Chải), sau khi học xong Đại học Xây dựng đã quyết định quay trở về quê hương làm du lịch. Theo anh Xuy, muốn phát triển du lịch bền vững cần phải bảo tồn tốt những giá trị kiến trúc, nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì.
“Để duy trì nếp nhà như thế này thì bản thân người dân và chính quyền địa phương phải hiểu được giá trị và chính quyền phải có hướng tuyên truyền nhận thức người dân thì mới bảo tồn được”, anh Xuy nói.
Gần đây, các mô hình phát triển dịch vụ du lịch ở Y Tý đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Khi tiềm năng du lịch của Y Tý được khai thác tốt theo hướng bền vững, sẽ hình thành một điểm đến du lịch về tính hấp dẫn trong tam giác du lịch Lào Cai- Sa Pa- Y Tý.
Ông Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, homestay là một sản phẩm du lịch đặc thù, không đơn giản chỉ là điểm lưu trú, mà du khách mong muốn có sự trải nghiệm văn hóa, được khám phá thiên nhiên và phong tục tập quán của người dân địa phương. Chính quyền đã mở nhiều lớp tập huấn cho bà con làm du lịch cộng đồng.
“Năm 2019 lượng khách khoảng trên 15.000 người, hơn 100 khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực trong chuyển dịch kinh tế địa phương. Trong năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương cũng giảm được trên 12% tỷ lệ hộ nghèo”, ông Phạm Văn Tâm cho hay.
Y Tý là một xã nghèo ở huyện Bát Xát, để du lịch phát triển bền vững, việc duy trì và phát huy giá trị nét độc đáo trong kho tàng văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Giáy, Dao, Mông, Hà Nhì... luôn được các ban ngành quan tâm, như: Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Pút Tồng, Lễ hội Khô Già Già, Lễ Cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Dao... nhằm thu hút du khách. Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát được xây dựng vài năm qua. Từ khi triển khai đến nay, huyện đón khoảng 69.000 lượt khách du lịch, đạt 69% mục tiêu của đề án, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 20 tỷ đồng.
Hàng rào đá, nhà trình tường, lợp cỏ gianh là nét văn hóa riêng của người Hà Nhì |
Ông Nguyễn Quang Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, Bát Xát đã được phê duyệt nằm trong khu du lịch quốc gia Sa Pa, đây cũng là điều kiện, cơ hội để phát triển ngành du lịch của địa phương.
“Tỉnh đang lồng ghép huy động nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện quy hoạch phân khu chi tiết. Trong đó, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa môi trường. Trọng tâm phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Quang Bình cho biết thêm.
Hiện nay, do chất lượng hệ thống giao thông ở các xã vùng cao ở huyện Bát Xát còn chưa đảm bảo, các cơ sở lưu trú còn tự phát, thiếu kỹ năng dịch vụ, vốn cho phát triển du lịch ở địa phương còn hạn hẹp nên du lịch của xã Y Tý, cũng như cả huyện Bát Xát còn hạn chế. Nếu được các cấp, ngành và các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư hơn nữa, thì Y Tý, Bát Xát sẽ là điểm đến không thể thiếu cho du khách mỗi khi đến với Sa Pa.
Xuân đang về trên những bản làng người Giáy, người Dao, người Mông ở Y Tý. Tết này, khách du lịch khắp nơi về đón xuân trên những ngọn núi phủ đầy mây, hứa hẹn một năm mới khởi sắc từ du lịch ở “Thiên đường mây Tây Bắc”./.
Ngây ngất ngắm lúa vàng, mây trắng trên vùng cao Y Tý
Y Tý lọt danh sách 12 bí mật du lịch của Châu Á