Thống đốc: Đến 2015 nợ xấu sẽ theo thông lệ quốc tế

(VOV) - Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trong phiên họp Quốc hội chiều nay (30/10), trả lời đại biểu về vấn đề tái cấu trúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, Chính phủ đã có Quyết định 254 thông qua đề án tái cấu trúc ngân hàng, hiện NHNN đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt, vạch ra việc làm cho từng năm một.

Theo Quyết định này, việc xử lý ngân hàng yếu kém, sáp nhập hợp nhất ngân hàng chỉ là 1 nội dung, ngoài ra còn có việc làm lành mạnh hệ thống, bao gồm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, ban hành các văn bản quy phạm mới đáp ứng cho dự phát triển của hệ thống.

Về xử lý ngân hàng yếu kém, chính phủ đã lập ban chỉ đạo liên ngành gồm 1 Phó Thủ tướng làm trưởng ban, Thống đốc làm Phó Trưởng ban thường trực và đại diện của các Bộ, ban ngành khác. Với từng ngân hàng thương mại, cũng có ban chỉ đạo xử lý, do vậy, quá trình xử lý các ngân hàng thương mại không chỉ có riêng ý kiến của NHNN mà còn những đánh giá của các cơ quan khác, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Ngoài ra, trong các văn bản pháp luật cũng có đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá như thế nào là ngân hàng thuộc diện phải xử lý. Đồng thời, quá trình xử lý ngân hàng yếu kém là rất nhạy cảm và có thể gây ra tranh chấp, vì vậy để có đủ cơ sở để xử lý 1 ngân hàng thì NHNN tiến hành đồng thời 2 việc: một mặt tiến hành thanh tra tại chỗ, 1 mặt mời kiểm toán độc lập quốc tế. Trong thời gian qua, qua quá trình đánh giá, các tổ chức thuộc diện phải xử lý là rất xứng đáng và phù hợp.

Thời gian qua, một số đề án phải tôn trọng tính tự nguyện của các đối tượng tham gia nên hiện nay đang trong giai đoạn cuối cùng để thống nhất với các đối tượng này về con số, sau khi thống nhất và có phương án xử lý cuối cùng, NHNN sẽ công bố rộng rãi công chúng.

Năm nay, NHNN cũng tiến hành thanh tra trên diện rộng với 26 tổ chức tín dụng, khi có kết quả thanh tra, NHNN sẽ được lần lượt công bố rộng rãi với công chúng.

Về vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu, trong phiên chất vấn tại UBTVQH Thống đốc đã dành nhiều thời gian để báo cáo và giải trình với đại biểu QH và cử tri toàn quốc về nội dung này. "Tôi chỉ khẳng định lại: Nợ xấu không phải con số cố định mà biến động theo thời gian. Hai là, mặc dù tiêu chí xác định nợ xấu của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các tiêu chí quốc tế nhưng ngay cả ở Việt Nam và quốc tế thì cũng không có một bộ qui định thống nhất nào về việc xác định nợ xấu. Do đó, con số nợ xấu bên cạnh yếu tố định lượng thì còn có định tính. Do vậy, con số nợ xấu có thể khác nhau giữa các tổ chức đánh giá. Chúng ta đã thống nhất và thế giới ghi nhận là con số đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đó thường được sử dụng là con số tham khảo có giá trị nhất. Do vậy, con số xác định nợ xấu mà NHNN đưa ra là con số có cơ sở nhất” – Thống đốc nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Thống đốc, từ đầu năm đến nay, diễn biến của nợ xấu trong hệ thống NH phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Đầu năm tỷ lệ hàng tồn đọng lớn. Sau đó, tỷ lệ này dần giảm. Theo dõi thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 trở lại đây tốc độ tăng đã chậm hẳn lại.

Về xử lý nợ xấu, Thống đốc khẳng định, đây là công việc không phải chỉ phụ thuộc ý chí của hệ thống NH là đủ mà phải coi đây là một nội dung của cả nền kinh tế. Phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, lĩnh vực mới có thể xử lý được nợ xấu.

Nợ xấu nếu chỉ là của NH và DN thì thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, trước tiên NH phải có trách nhiệm xử lý cùng DN. Nhưng riêng hàng tồn kho lớn thì đấy cũng là nợ xấu. Cũng có ý kiến của ĐBQH cho rằng đem thế chấp hàng tồn kho đó để được vay mới của hệ thống NH. “Tôi xin báo cáo là ngay hàng tồn kho đó cũng là hàng thế chấp với khoản vay đó rồi. Do vậy, vấn đề xử lý hàng tồn kho cũng là đóng góp rất quan trọng đối với việc xử lý nợ xấu của hệ thống NH”, thống đốc cho biết.

Thống đốc cũng dẫn chứng nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay mà theo số liệu báo cáo ban đầu vẫn còn khoảng trên 90.000 tỷ thì nếu xử lý được khoản này của chính quyền địa phương các cấp thì chúng ta cũng xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn.

"Ngoài ra, một khối lượng lớn nợ xấu nằm trong bất động sản. Nếu chúng ta có những giải pháp để khai thông được thị trường bất động sản thì cũng góp phần xử lý nợ xấu của hệ thống NH. Do vậy, để xử lý nợ xấu NH thì phải có quyết tâm và ý chí chính trị thống nhất trong hệ thống chính trị. Về vấn đề này, phía NHNN đã xây dựng xong đề án xử lý nợ xấu. Chúng tôi cũng đã liên hệ với Văn phòng Trung ương Đảng để Chính phủ báo cáo đề án này với Bộ chính trị, vì trong đó có rất nhiều nội dung liên quan thẩm quyền chính phủ nhưng có nội dung liên quan thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan khác".

Thống đốc hy vọng với đề án này, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành trung ương, địa phương thì chúng ta có cơ sở vững chắc để xử lý đực nợ xấu.

“Còn với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì như tôi đã nói ở trên, đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy, chúng ta không thể đơn phương. Thế nhưng theo đề án 254 chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế” – Thống đốc kết thúc phần phát biểu của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên