Thống đốc NHNN đề nghị thông qua Luật Các tổ chức tín dụng trong 2 kỳ họp
VOV.VN - Cơ quan soạn thảo tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để thông qua trong kỳ họp thứ 2 phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, bởi hoạt động ngân hàng đang chịu tác động rất lớn từ các biến động của kinh tế thế giới và trong nước.
Cuối phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng chiều 10/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thống đốc NHNN cho biết, qua các buổi thảo luận tổ cũng như thảo luận tại hội trường đã có tới 121 ý kiến phát biểu thẳng thắn, đầy trách nhiệm cho thấy sự quan tâm đối với hoạt động ngân hàng nói chung, cũng như đối với dự án Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, ghi chép và sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để tổng hợp báo cáo Chính phủ hoàn thiện dự án luật này.
Hạn chế thao túng và sở hữu chéo ngân hàng
Giải đáp một số vấn đề lớn được các ĐBQH quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với đề nghị dự án Luật có 1 Chương riêng hoặc 1 phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức hoạt động, thậm chí là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp tục có nghiên cứu, nhưng lưu ý trong 1 luật chung rất khó có thể quy định cụ thể riêng cho từng ngân hàng.
“Trong quá trình rà soát, Ban soạn thảo sẽ cố gắng để có những quy định cụ thể, chung nhất đối với các ngân hàng. Bởi 1 dự thảo luật có thể quy định cụ thể, phù hợp với ngân hàng này nhưng lại không phù hợp với ngân hàng kia”, bà Hồng lý giải.
Đối với quy định điều chỉnh giảm các giới hạn về sở hữu của cổ đông và người có liên quan, cũng như giới hạn về cấp tín dụng cho 1 khách hàng và với các người có liên quan, bà Hồng cho biết, dự thảo luật được thiết kế như vậy cũng để nhằm mục đích hướng đến hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.
“Ban soạn thảo đã theo hướng mở rộng người có liên quan, nhưng muốn thực hiện quy định này trong luật vẫn phải là vấn đề tổ chức thực hiện. Trong thực tiễn như một số đại biểu nói rằng, có thể các cổ đông vẫn nhờ những người có liên quan đứng tên và ngân hàng cũng không thể nắm được. Vừa qua một số vụ án mới thấy được có những trường hợp đứng tên sở hữu, nên những việc quy định trong Luật chỉ là một trong những cách để hạn chế. Còn muốn giải quyết được việc này đòi hỏi rất nhiều các công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau”, bà Hồng phân tích.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng phân tích, làm rõ hơn về hướng phát triển của hoạt động ngân hàng của Việt Nam cũng như giải pháp đáp ứng tín dụng, khi nhu cầu của DN, hoạt động đầu tư phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Theo Thống đốc, các tổ chức quốc tế đã từng cảnh báo, khi nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng này sẽ tiềm ẩn rủi ro.
“Bất cứ khi nào kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp làm ảnh hưởng đến DN và người dân sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, đây là hiện tượng Domino gây hệ lụy lớn đến nền kinh tế. Chính vì như vậy, cùng với việc phát triển ngành ngân hàng, các thị trường khác như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải được phát triển đồng bộ”, Thống đốc nói.
Tránh khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu
Một vấn đề được các ĐBQH quan tâm là luật hóa Nghị quyết 42 trong dự án Luật Các TCTD. Theo bà Hồng, Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý, tạo cơ chế thí điểm để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017. Thực tế triển khai cho thấy nợ xấu đã giảm rất nhanh, tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Tuy nhiên trong quá trình xử lý nợ xấu có gắn với việc thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo. Với tính chất là trung gian tài chính, việc thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Quá trình xử lý nợ xấu cũng quy định thứ tự ưu tiên thanh toán và so với Nghị quyết 42, dự thảo luật này đã điều chỉnh hài hòa lợi ích của các bên.
Về thời gian thông qua dự án Luật các TCTD, Thống đốc NHNN cho biết, Nghị quyết 42 được gia hạn cho đến ngày 31/12/2023, nếu dự án được thông qua sau 3 kỳ họp cũng sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu cũng như hoạt động ngân hàng. Chính vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn và đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép thông qua dự án Luật các TCTD trong 2 kỳ họp.
“Cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng hết sức và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện Luật, làm sao thông qua trong kỳ họp thứ 2 (kỳ họp thứ 6 tới). Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, bởi hoạt động ngân hàng đang chịu tác động rất nhiều bởi các biến động của kinh tế thế giới và trong nước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ./.