Thống đốc: Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn tăng cao nhất
(VOV) -4 tháng đầu năm 2013, tín dụng của nền kinh tế tăng hơn 2% nhưng riêng nông nghiệp tăng gần 5%.
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên chất vấn sáng nay (13/6), làm rõ hơn phần tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Chỉ tính riêng từ 2008 đến nay, hàng năm tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn trung bình 20%/năm. Riêng 5 năm vừa qua, đặc biệt từ 2010, khi Chính phủ ban hành cơ chế chính sách cho tín dụng nông nghiệp nông thôn thì tín dụng cho lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng. Trong 5 năm qua tín dụng cho nông nghiệp nông thôn tăng 2 lần. Đến 31/12/2012 dư nợ cho nông nghiệp nông thôn đạt 561.533 tỷ đồng. Trong suốt giai đoạn qua, đặc biệt những năm gần đây, dù tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng không cao nhưng cho lĩnh vực này tăng cao. Ví dụ, riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, tín dụng cả nền kinh tế tăng hơn 2%, trong khi đó tăng cho nông nghiệp nông thôn tăng xấp xỉ 5%.
Về kết quả thực hiện một số gói tín dụng hiện nay mà hệ thống ngân hàng (NH) đang áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên đối với nông nghiệp nông thôn, Thống đốc cho biết: Tình hình cho vay mua tạm trữ thóc gạo vụ đông xuân 2012-2013, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay dư nợ cho vay đạt 7.612 tỷ đồng, tương đương thu mua tạm trữ 931.630 tấn qui gạo, và đạt 95% kế hoạch. Theo tinh thần quyết định số 850 ngày 4/6 vừa qua của Thủ tướng, NHNN có văn bản số 4142 ngày 12/6 chỉ đạo các TCTD tiếp tục cho vay tạm trữ đợt tiếp theo.
Trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi, thực hiện văn bản chỉ đạo số 1149 của Thủ tướng về chính sách đối với chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra, từ 15/8/2012 –30/4/2013, doanh số cho vay của 5 NHTM Nhà nước đạt 63.193 tỷ đồng. Trong đó, kết quả cho vay cá tra 27.955 tỷ đồng, dư nợ đến 30/4/2013 là 37.549 tỷ đồng. Nếu tính tỷ số tăng thì đạt 7,8% so với 15/8/2012. Về cho vay nuôi tôm tại 5 NHTM theo tinh thần công văn 1149, 4 tháng đầu năm đạt dư nợ 8.644 tỷ đồng, dư nợ đến 30/4 là 14.856 tỷ đồng. Cho vay chế biến thịt lợn và gia cầm, từ 15/8/2012 đến 30/4/2013 đạt 21.579 tỷ đồng. Đến 30/4, dư nợ còn 7.705 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Thống đốc, chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch doanh số cho vay đạt thấp. Đến 30/4/2013, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của 4 NHTM đạt 699 tỷ đồng, dù tăng 15% so với cuối năm ngoái nhưng cũng là con số thấp.
Thống đốc cho biết, qua tìm hiểu, khó khăn lớn nhất của bà con nông dân vướng ở các qui định. Theo các quyết định thì đối với các máy móc thiết bị nằm trong chương trình tín dụng ưu đãi phải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Trong khi đó, các máy móc, thiết bị mà bà con nông dân có nhu cầu mua lại không đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%. “Chúng tôi đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ kịp thời xử lý” – Thống đốc cho biết.
Thời gian qua, NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để có chương trình tín dụng tái canh cây cà phê với tổng mức 12.000 tỷ đồng, lãi suất hợp lý, thời gian vay trung và dài hạn. Thống đốc bày tỏ niềm tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của hai bộ và chính quyền các cấp, gói hỗ trợ này sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Cũng theo quan sát của Thống đốc trong quá trình đi thực tế, năng lực sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của các địa phương còn lớn. Tuy nhiên, để hiệu quả của hoạt động sản xuất đòi hỏi còn rất nhiều khâu. Ví dụ, qua cây cà phê, vấn đề cơ bản như giống, kỹ thuật, tiền vốn, qui hoạch… cần có chương trình liên thông mới đảm bảo hiệu quả, đồng vốn NH mới thu hồi được. Tương tự như vậy, với con cá tra thì nuôi trồng thế nào, chế biến, bảo quản, tích trữ, xuất khẩu… cũng phải có qui hoạch tổng thể. “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để làm sao trên cơ sở những chương trình cụ thể như vậy thì cung cấp đầy đủ nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn” – Thống đốc nói.
Cũng theo khẳng định của Thống đốc trước Quốc hội, “Thời gian tới, Bộ NN-PTNT, Công Thương và NHNN có sự phối hợp chặt chẽ hơn để chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, chính sách với đồng bào, nông dân phát huy hiệu quả hơn”.
Lời khẳng định này của Thống đốc được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao. “Tôi rất hoan nghênh câu nói cuối cùng của đồng chí, có thể có Bộ Kế hoạch-Đầu tư sẽ phối hợp, rà soát chính sách hiện có cho nông nghiệp và bổ sung hoàn thiện hơn chính sách”./.