Thống nhất từ Trung ương đến địa phương gỡ “thẻ vàng” của EC
VOV.VN - Về lâu dài, Việt Nam cần tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế.
Vào đầu tháng 11 tới, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực tế lần 2 về những khuyến nghị chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), mà chúng ta vẫn thường quen gọi “thẻ vàng”.
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 28 địa phương ven biển đang nỗ lực thực hiện Luật Thủy sản và các quy định của pháp luật, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” để nghề khai thác thủy sản trở thành một nghề kinh tế có trách nhiệm, thân thiện với môi trường.
Trong suốt 2 năm qua, Chính phủ, các bộ ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của EC, trong khắc phục tình trạng khai thác thủy sản không theo quy định, không có báo cáo.
Ý thức chấp hành khuyến nghị EC của một bộ phận ngư dân chưa cao. |
Hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản đã được triển khai và vận hành thí điểm từ tháng 5/2019, đảm bảo quy mô giám sát được hơn 31.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay, đã có hơn 60% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; 16% tàu cá từ 15m đến dưới 24m được lắp đặt giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, tỉnh đã nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Thái Lan về triển khai và đặt hàng Công ty viễn thông Quân đội nghiên cứu, sản xuất thiết bị giám sát hành trình và áp dụng lắp cho 912 tàu/1661 tàu của tỉnh có chiều dài từ 15m trở lên.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 113 vụ/187 tàu/877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.
Việc cơ sở hạ tầng giám sát tàu cá triển khai chậm, dẫn đến hầu hết các tỉnh mới đang triển khai thí điểm lắp đặt giám sát hành trình, điều này dẫn đến chưa đủ căn cứ để triển khai các quy định về xử phạt đối với các vi phạm về thiết bị giám sát hành trình. Công tác truy xuất nguồn gốc chưa đáp ứng được yêu cầu của EC về kiểm soát theo chuỗi tính hợp pháp của sản phẩm xuất sang thị trường châu Âu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Mai Anh Nhịn cho biết, mặc dù hiện nay tại địa phương đã yêu cầu các ngư dân lắp thiết bị hành trình, nhưng vẫn còn tình trạng mở tắt thiết bị. Bên cạnh đó, trước yêu cầu kiểm tra chặt chẽ của lực lượng chức năng địa phương cũng khiến nhiều tàu nằm bờ, chiềm gần 20% tàu của địa phương.
Trước tình hình còn tàu cá vi phạm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngư dân là thành tố quan trọng để triển khai các khuyến nghị của EC, nhưng ý thức chấp hành của một bộ phận ngư dân chưa cao.
Bên cạnh đó, cán bộ làm việc tại cảng chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng; hạ tầng còn hạn chế, xuống cấp. Vì thế, các địa phương cần bố trí thêm nguồn lực mới đáp ứng được yêu cầu kiểm soát nghề cá tại cảng.
“Tới đây khi tổng kết Nghị định 67 sẽ không phát triển thêm phương tiện phương tiện đánh bắt. Trong chương trình phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản sẽ hướng tới việc nuôi xa, nuôi gần đa dạng. Bộ đang triển khai tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng có chiến lược bù đắp lại, hướng tới cơ cấu lại toàn ngành khai thác thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Chuẩn bị đón tiếp và làm việc một cách chặt chẽ, hiệu quả với đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra vào đầu tháng 11 tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) nêu rõ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải thông tin rõ cho đoàn kiểm tra biết những nhiệm vụ đã triển khai, kết quả đã đạt được.
Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU.
Tinh thần của Việt Nam cần hành động một cách nhanh chóng, quyết liệt, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác triển khai ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC đối với Việt Nam.
“Một trong những điều chúng ta cần khắc phục là tái cấu trúc lại ngành thủy sản nói chung, thay vì đánh bắt sẽ chuyển sang nuôi trồng là chính trong chiến lược biển. Hỗ trợ bà con trong việc phát triển kinh tế biển nhưng cũng phải hướng dẫn bà con neo đậu tàu thuyền đành bắt cá theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU là thách thức đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam, tuy nhiên về dài hạn đây cũng là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế./.
Phó Thủ tướng: Nhanh chóng, quyết liệt gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản