Thu hút FDI có chọn lọc, không để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi ích
VOV.VN - Trong thu hút FDI, cần xem xét các khoản thuế ưu đãi đầu tư đối với các DN thành lập mới thuê địa điểm tại Việt Nam, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.
Những năm gần đây, Việt Nam đang chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI có chọn lọc, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghệ tương lai. Năm 2023, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
3.500 dự án đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt may
Đánh giá tầm quan trọng của thu hút đầu tư FDI thời gian qua, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, nhờ xu thế hội nhập và chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
“Nếu như năm 2001 (khi Việt Nam ký Hiệp định song phương với Mỹ), kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ khiêm tốn 1,96 tỷ USD. Nhưng đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt trên 44 tỷ USD, tăng 22,6 lần cho thấy việc tận dụng hiệu quả cơ hội từ quá trình thu hút đầu tư FDI. Dòng vốn đầu tư FDI vào dệt may tại Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng trên 37 tỷ USD là lĩnh vực thu hút FDI khá lớn”, ông Cẩm nhận xét.
Không chỉ dựa vào thu hút FDI để phát triển, các DN dệt may trong nước những năm qua cũng tăng tốc phát triển. Trong tổng thể nền kinh tế, tỷ trọng xuất khẩu của các DN FDI vẫn đang chiếm khoảng trên 73%, nhưng riêng đối với ngành dệt may chỉ chiếm trên 60%, còn lại khoảng 40% thuốc về các DN dệt may trong nước.
Thực tế giá trị tăng thêm của các sản phẩm dệt may hiện nay đã chiếm khoảng trên 50% trị giá sản phẩm, còn lại là nguyên liệu nhập khẩu cùng những thành phần khác đóng góp vào sản phẩm. Điều đó có nghĩa khi kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 40 tỷ USD, hàm lượng giá trị trong sản phẩm dệt may của Việt Nam đã chiếm trên 20 tỷ USD.
“Tỷ lệ xuất siêu của dệt may như năm 2023 đạt khoảng 17 - 18 tỷ USD. Với Chiến lược phát triển ngành dệt may mới được Chính phủ phê duyệt, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ đạt từ 6,8% - 7,2%/năm, cho đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 68 - 70 tỷ USD. Đây là một tham vọng rất lớn nhưng nếu ngành biết dựa vào tiềm lực thu hút FDI và nội lực của các DN trong nước, con số này sẽ không phải là quá xa vời”, ông Cẩm nhận định.
Với mục tiêu tập trung vào phát triển ngành dệt may bền vững, hiện ngành cũng đứng trước hàng loạt khó khăn khi phải đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh của các thị trường lớn trên thế giới, với những tiêu chí rất cụ thể cùng các tác động khác như chuyển đổi năng lượng, tiêu chuẩn phát thải, tác động môi trường…
Không để lợi ích của DN trong nước bị tận dụng
Điều trăn trở lớn nhất của ông Trương Văn Cẩm hiện nay, đó là nhiều địa phương vẫn chưa thực sự ưu ái, cũng như tạo điều kiện để thu hút các tổ hợp công nghiệp dệt may trong nước. Nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu cũng như hạ tầng, những lợi thế, ưu đãi lẽ ra các DN được hưởng, trong đó có các DN dệt may sẽ dễ dàng rơi vào tay các DN nước ngoài.
“Khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do là đã có sự đánh đổi. Quy định của tất cả các FTA Việt Nam đã và đang thực thi cũng như chuẩn bị ký kết đều yêu cầu chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) rất khắt khe, nếu DN không được hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn, lợi ích vốn có của DN trong nước sẽ thuộc về các DN FDI”, ông Cẩm quan ngại.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị DN phân tích, với 17 FTAs kỳ vọng mang lại lợi ích cho Việt Nam, nhưng nội lực không tận dụng hết vô hình chung lại tạo điều kiện cho các DN FDI.
“Các DN FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn vì họ cần C/O của Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế. Gần đây một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc có tình trạng DN trong nước nhường mặt bằng hoặc cho DN FDI thuê lại. Điều này thể mang lại lợi ích trước mắt cho DN, nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến lợi ích quốc gia và những thế hệ sau. Do vậy cần xem xét các khoản thuế ưu đãi đầu tư đối với các DN thành lập mới có xuất phát gần với Việt Nam, nhưng lại thuê địa điểm tại Việt Nam, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để cho DN nước ngoài hưởng lợi”, ông Phụng cảnh báo.
Từ thực tế đó ông Phụng đề xuất, cần có cảnh báo cho các địa phương cũng như các DN trong nước, tích cực hơn trong tận dụng cơ hội từ các FTA để chiếm lĩnh thị trường. Tránh việc có những địa phương trước đây dù đã giao đất, hạ tầng cho các DN trong nước, nhưng do nhìn thấy mối lợi trước mắt nay lại thay đổi cho các DN FDI thuê.
“Việt Nam đang hướng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, có chất lượng, cần cân đối để quyền lợi quốc gia đỡ bị mất đi. Đừng nhìn vào tốc độ tăng trưởng mà không nhìn đến lợi ích của những thế hệ sau đang bị nước ngoài tận dụng”, ông Phụng lưu ý.
PGS.TS Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học Viện chính sách và phát triển (Bộ KH&ĐT):
Để hưởng lợi tốt hơn từ DN FDI, các DN trong nước cần phải tham gia sâu hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi sản xuất của DN FDI tại Việt Nam. Muốn liên kết tốt hơn với DN FDI, Việt Nam rất cần những DN có nội lực, có quy mô và nguồn nhân lực tốt, nếu vẫn chủ yếu là DN vừa và nhỏ sẽ rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.