Thu lãi 700 triệu đồng/năm từ thanh long ruột đỏ
VOV.VN - Năm 2018 với 1.000 trụ thanh long ruột đỏ, gia đình chị Dung đã thu hoạch được trên 30 tấn quả và cho thu lãi gần 700 triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ đã đem lại thu nhập cao, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi gần 700 triệu đồng và tạo được công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Dung chủ yếu làm nương rẫy, trồng cây ngô, cây mía, thu nhập thấp mà công lao động lại vất vả. Đến năm 2010, được xã và huyện vận động cây thanh long phù hợp và phát triển với địa phương nên anh chị quyết định chuyển sang cây ăn quả mới này.
Để tiếp tục phát triển, chị Dung đã vận động bà con trong xã cùng trồng thanh long ruột đỏ. |
Ban đầu, gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng làm trụ bê tông trên diện tích 5.000 m2 để làm giá đỡ trồng 8.000 cây thanh long. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, gia đình chọn giống không phù hợp nên quả nhỏ, chua và cho năng suất thấp.
Sau đó, chị Dung đi thăm quan các mô hình trồng thanh long ở những nơi đã trồng thanh long lâu năm. Rút kinh nghiệm qua những lứa trước, năm 2013 chị và gia đình quyết định đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2018 với 1.000 trụ thanh long ruột đỏ, gia đình chị Dung đã thu hoạch được trên 30 tấn quả và cho thu lãi gần 700 triệu đồng.
“Năm 2019 được sự quan tâm và tuyên truyền của tỉnh, gia đình đã sản xuất cây thanh long theo hướng hữu cơ, để có sản phẩm quả đảm bảo an toàn, dễ tiêu thụ”, chi Dung cho biết.
Thanh long ruột đỏ là giống chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, cho thu hoạch quanh năm mà không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12 , cứ sau 15 ngày lại thu hoạch một đợt, tương đương với thu hoạch từ 9 - 11 lần/năm.
Để tiếp tục phát triển, chị Dung đã vận động bà con trong xã cùng trồng thanh long ruột đỏ và thành lập Hợp tác xã Ngọc Hoàng. Thanh long ruột đỏ của hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap và lan ra các thị trường trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… đồng thời đã xuất sang thị trường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Dubai...
Sản phẩm thanh long ruột đỏ qua chế biến. |
Không chỉ có thu nhập ổn định, chị Dung đã tạo được công ăn việc làm cho 2 lao động dài hạn và hơn 10 lao động theo thời vụ. Anh Nguyễn Văn Nam, một trong số lao động được tạo việc làm cho biết, trước kia mỗi năm anh cũng đi làm thuê vài tháng nhưng công việc không được ổn định.
“Thời gian đó, vợ chồng con cái mỗi người một nơi, vợ thì ở trên này còn tôi cứ thấy đâu có công ăn việc làm là lại đi. Từ ngày lên trên này làm vườn, thu nhập ổn định hơn, gia đình con cái được đoàn tụ không còn phải đi xa”, anh Nam cho hay.
Từ việc lựa chọn đúng mô hình làm kinh tế, quả thanh long ruột đỏ đã giúp gia đình chị Dung cũng như nhiều hộ dân ở xã Nà Bó có mức thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu ngay trên đồng đất quê hương./.
Giá thanh long ruột trắng tăng cao, nhà vườn phấn khởi