Thu phí ATM: Đi câu bắt cá dâng mồi?
(VOV)-Lẽ ra khách hàng có quyền lựa chọn, hoặc từ bỏ dùng ATM nếu phí không hợp lý, nhưng hàng chục triệu chủ thẻ đang bị bắt buộc dùng ATM.
Những thông tin kiểu thử phản ứng dư luận về việc sẽ thu phí ATM nội mạng đã có từ khá lâu, dư luận đã râm ran. Nhưng phải đến ngày 28/12/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 35 liên quan đến việc cho phép thu phí khi giao dịch bằng thẻ ATM chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2013, thì độ nóng của dư luận càng tăng.
Dư luận trái chiều
Mấy ngày nay, trên các trang báo, các diễn đàn nhan nhản thông tin phản ứng đồng tình hoặc phản đối việc thu phí này.
Nhiều cây ATM quá tải do khách hàng rút đông (Ảnh:Dantri.com.vn) |
Phía những người đồng tình cho rằng, ngân hàng thu phí giao dịch thẻ ATM là thích đáng. Bởi các ngân hàng phải đầu tư số tiền lên đến cả tỷ đồng để xây dựng cây ATM, chưa kể chi phí bảo dưỡng thay thế thiết bị, điện... cũng mấy chục triệu mỗi tháng. Đồng thời, ngân hàng phải đầu tư cả mấy trăm tỷ đồng hệ thống máy chủ, thiết bị điều khiển trung tâm vận hành hệ thống. Cùng với đó, ngân hàng còn phải trả lương đội ngũ nhân viên cả nghìn người phục vụ trên toàn hệ thống thẻ ATM với chi phí lương khoảng chục tỷ đồng mỗi tháng….
Hơn thế, lâu nay người dùng dịch vụ gửi tiền trong thẻ ATM vẫn được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Và thực tế số tiền các chủ thẻ để trong tài khoản thanh toán không nhiều, nên sinh lợi cho ngân hàng không đáng kể. Nhưng khách hàng vẫn được hưởng các dịch vụ tiện ích thanh toán giao dịch thật tiện lợi, nhanh gọn và an toàn…
Phía những người phản đối dẫn chứng rằng, toàn hệ thống ngân hàng có đến khoảng 40 triệu thẻ ATM. Với lượng thẻ này, giả định phí bắt buộc phải lưu trong tài khoản ATM để duy trì thẻ là 50.000 đồng/thẻ thì lượng tiền cũng đã rất lớn. Hơn thế, từ lâu, các dịch vụ truy vấn thông tin qua tin nhắn đã được thu phí… Đặc biệt, sự tiện ích, nhanh gọn của các cây ATM chưa như ngân hàng nói. Khách hàng thường xuyên gặp cảnh từ chối giao dịch, hết tiền, các cây ATM còn kén thẻ….
Với lý lẽ này, phía phản đối cho rằng ngân hàng thừa hưởng lợi rồi, khách hàng không cần, không đáng phải trả phí rút giao dịch bằng thẻ ATM nữa.
Phải “tiền nào, của ấy”…
Những dẫn chứng, số liệu dùng trong các phân tích nêu trên chỉ là từ cộng đồng xã hội đưa lên các diễn đàn, không phải phát ngôn chính thức từ các ngân hàng. Tuy nhiên, hàng triệu chủ thẻ ATM có thể tự kiểm chứng phần xác thực của nó.
Điều đáng bàn ở đây, dù đồng tình hay phản đối của dư luận, trước hết, đó là lẽ thường, là phản ứng chính đáng và cần có của những khách hàng lâu nay vẫn được gọi là thượng đế trên thị trường.
Theo Thông tư 35, từ 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp 2 và gấp 3 vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch và quy định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2013.
Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng/giao dịch. Chủ tài khoản muốn in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 đồng đến 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.
Mọi giao dịch nội mạng đều mất phí từ 0-15.000 đồng một giao dịch. Ngoài ra, phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm. NHNN quy định, trước khi áp dụng biểu phí mới ít nhất 15 ngày, các ngân hàng phải gửi biểu phí dịch vụ thẻ cho NHNN để báo cáo và giám sát và niêm yết công khai cho khách hàng./.
Song, trong số mấy chục triệu thẻ ATM đang lưu hành, đa số là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân… Đây là các “thượng đế” không thể chối từ dùng thẻ ATM, vì các cơ quan, đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản ATM theo quy định của Chỉ thị 20/2007 của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị trả lương từ ngân sách. Và biểu phí mà ngân hàng đưa ra cũng là một chiều từ chính ngân hàng, khách hàng không có quyền thỏa thuận giá.
Thêm nữa, phía ngân hàng lý giải rằng, hệ thống cây ATM lâu nay hoạt động mà chưa thu phí, ngân hàng cũng không thu lợi từ các dịch vụ đó mà chỉ là cạnh tranh cải thiện thương hiệu, chiếm lĩnh thị phần, là tối ưu hóa dịch vụ cho khách hàng…nên bây giờ khách hàng phải chia sẻ với ngân hàng một phần phí để ngân hàng có điều kiện đầu tư và đa dạng hóa hơn các sản phẩm dịch vụ thì mới phục vụ người dùng được tốt hơn...
Cho nên, vấn đề đặt ra là, khách hàng sẽ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân hàng, nếu dịch vụ thẻ ATM cung ứng xứng đáng tối thiểu như: không bao giờ báo hết tiền, dừng giao dịch; các ngân hàng liên kết với nhau để 100% thẻ ATM có thể rút được tiền từ bất cứ cây ATM nào; hệ thống các cây ATM phải nhiều hơn, phân bố rộng rãi hơn để tiện giao dịch; nới rộng biên độ lượng tiền trong 1 lần rút;…
Không phủ định việc dùng thẻ ATM trong các giao dịch thay cầm tiền mặt đang là xu thế toàn cầu. Hoạt động này sẽ góp phần khắc phục tình trạng tiền mặt hóa trong các giao dịch trên thị trường, sẽ tăng được lượng vốn lưu thông trong hệ thống tiền tệ của quốc gia; góp phần đáng kể vào tăng dòng vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…
Tuy nhiên, dù sao quy luật của thị trường, “tiền nào phải của ấy” thì thị trường ATM mới thông. Bằng không, khó giữ chân khách hàng, khi khách hàng ứng xử kiểu “cực chẳng đã” mới gặp ATM thì việc thu phí sẽ lợi bất cập hại. Hơn thế, nếu ngân hàng lý giải thu phí để bù cho việc xây dựng và duy trì cây ATM, nhưng ATM cũng là phương tiện cho tiện ích hóa hệ thống ngân hàng, cải thiện thương hiệu, làm gia tăng các dịch vụ khác đi kèm…
Nói cách khác, các dịch vụ thẻ ATM đưa ra cũng là cách để ngân hàng “câu” khách, vậy thì chi phí cho “mồi câu” ngân hàng phải lo là đương nhiên. Còn trong bối cảnh hiện nay, việc ép “cắn câu” với mấy chục triệu chủ thẻ chẳng khác nào “đi câu bắt cá dâng mồi”!./.