Thu phí Đại lộ Thăng Long: Tăng lãng phí?

VOV.VN - Hiệu quả khai thác của tuyến đường này có thể sẽ tiếp tục giảm nếu đề xuất thu phí được chấp thuận?

Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính về việc thu, thành lập và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, từ đầu năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành xử lý, sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ, trong đó có việc xoá bỏ các trạm thu phí quốc lộ được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Tính đến nay trên toàn quốc đã có hàng chục trạm thu phí đường bộ được xóa bỏ theo tinh thần của chủ trương này.

Tuy nhiên, mới đây UBND TP Hà Nội lại có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).

Đường gom liên kết với Đại lộ Thăng Long
sẽ được khai thác triệt để sau thu phí. (Ảnh: PetroTimes)

Đại lộ Thăng Long (trước đây là đường Láng - Hòa Lạc) có chiều dài 29,264 km được hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 10/2010. Tổng mức đầu tư của dự án là 7.527 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.840 tỉ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỉ đồng.

Ngay từ cuối tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 9141/VPCP-KTN chỉ đạo về việc thu phí phần đường cao tốc tuyến đường này, nhưng do chậm triển khai nên đến nay việc thu phí vẫn chưa được tiến hành. Hơn nữa, sau khi áp dụng Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính, Đại lộ Thăng Long lại nằm trong diện không thu phí đường bộ bởi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.

Thế nhưng theo văn bản đề xuất của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ, việc xin thu phí là để hoàn vốn đầu tư Đại lộ Thăng Long cho Ngân sách thành phố, tạo nguồn thu thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng như hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông, vận hành hệ thống giao thông thông minh hàng năm đang thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc thu phí Đại lộ Thăng Long theo thành phố cũng là để người tham gia giao thông có dịch vụ chất lượng cao như tăng tốc độ chạy xe, được cung cấp các thông tin về tình trạng giao thông trên đường…

Như vậy có thể hiểu mục đích của đề xuất này là: Nếu người tham gia giao thông không muốn đóng phí thì có thể lựa chọn đi trên đại lộ xấu - hệ thống đường gom hai bên đại lộ. Người dân nếu muốn sử dụng đường giao thông tốt hơn, tốc độ cao hơn để lưu thông theo đúng nghĩa cao tốc, đại lộ thì phải…trả tiền.

Sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều độc giả của VOV online đã có những ý kiến khác nhau. Về cơ bản, các ý kiến đều tỏ ra không đồng tình với chủ trương mới này của UBND TP Hà Nội. Ý kiến độc giả đều cho rằng, đề xuất này của UBND thành phố Hà Nội là cố tình “lách luật”, không đúng với chủ trương của Chính phủ trong việc thu và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.

Bạn đọc Trần Ngọc Oanh tỏ ý ngạc nhiên với đề xuất này khi cho rằng, con đường này được đầu tư bằng nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố theo như chủ trương của Chính phủ là sẽ không được thu phí sử dụng đường, bởi người dân đã phải nộp phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện.

“Thành phố không được tiến hành thu phí để thu hồi vốn ngân sách bởi Đại lộ Thăng Long đã được đầu tư bằng tiền ngân sách. Người dân đã đóng thuế để làm đường, đã đóng phí đường bộ qua đầu phương tiện và giờ lại bị thu thêm phí nếu muốn được đi qua như vậy là phải đóng 3 lần thuế phí”, bạn đọc Oanh viết. 

Bạn đọc Hoàng Tuấn Đạt cũng bức xúc trước đề xuất này khi cho rằng, khi Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực thì người dân đã đóng phí theo đầu phương tiện, nếu cho phép thu phí trên tuyến đường này sẽ là phí chồng phí.

“Dù có lý do gì đi chăng nữa thì đây vẫn là cách làm khó hiểu và nội dung vẫn là phí chồng lên phí. Hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT tạo áp lực rất lớn cho người dân, nếu giờ cho thu phí đường đầu tư ngân sách thì phải bỏ Quỹ bảo trì đường bộ mới tạo nên sự công bằng”, bạn Đạt lên tiếng.

Với phương án đề xuất của TP Hà Nội, nhiều bạn đọc còn bày tỏ lo ngại khi tiến hành phân luồng thu phí, hệ thống giao thông trên tuyến sẽ trở nên phức tạp trong khoảng cách ngắn tăng nguy cơ ùn tắc phương tiện, quá tải bất hợp lý giữa Đại lộ Thăng Long với các tuyến giao thông liên quan.

Độc giả Hoàng Văn Bình quả quyết: “Trên thực tế hiện nay, khi chưa thu phí tuyến đường này cũng đã có rất ít phương tiện lưu thông, nếu triển khai thu phí thì chắc chắn sẽ ít có xe lựa chọn đường trả phí. Phương tiện tránh nộp phí lại tập trung đi vào đường gom, đường tránh khiến một đại lộ hiện đại bị “bỏ quên” một cách lãng phí”.

Nhiều độc giả lại cho rằng, trước một chủ trương của thành phố có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế và xã hội cần phải được thông báo công khai, khảo sát lấy ý kiến dư luận. Cụ thể trong đề xuất này Hà Nội cần làm rõ kinh phí thu được để đầu tư những dự án gì trên tuyến đường này? Việc thu phí sẽ tiến hành trong bao lâu và mức thu như thế nào…?

“Cần có những khảo sát đánh giá và dự toán với đầy đủ các luận cứ phân tích khoa học, mức độ đồng tình và sự ảnh hưởng của đề án đối với đời sống. Thực tế vận hành khai thác tuyến đường trước và sau khi tiến hành thu phí sẽ như thế nào cũng như hiệu quả, lợi ích của việc thu phí tuyến đường này mang lại là điều người dân cần quan tâm”, bạn đọc Phùng Hồng Hà phân tích.

Một số độc giả còn cảnh báo rằng, nếu Hà Nội được phép thu phí trên Đại lộ Thăng Long cũng có thể sẽ tạo ra tiền lệ cho nhiều tuyến đường đầu tư bằng ngân sách của các tỉnh, thành phố khác làm theo…

Trước nhiều thông tin phản hồi từ dư luận, mới đây, đại diện Sở GTVT Hà Nội đã làm rõ rằng, trong đề án thu phí có nội dung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh nhằm hiện đại hóa công tác quản lý tuyến đường, hạn chế tai nạn giao thông…bằng nguồn vốn huy động dưới nhiều hình thức như PPP, BOT, BT… và thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư (phần ngoài ngân sách).

Sở GTVT cũng thừa nhận, nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí trong bối cảnh đã có quy định về thu phí sử dụng đường bộ theo Thông tư 197/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trước khi thực hiện.

Sở GTVT cũng cho biết, đề án thu phí vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc có triển khai thu phí hay không còn tùy thuộc vào hình thức đầu tư và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thu phí Đại lộ Thăng Long bằng hệ thống ATC
Thu phí Đại lộ Thăng Long bằng hệ thống ATC

VOV.VN - Hình thức thu phí không dùng tiền mặt mà thông qua tài khoản đăng ký trước với hệ thống hoặc thẻ trả trước.

Thu phí Đại lộ Thăng Long bằng hệ thống ATC

Thu phí Đại lộ Thăng Long bằng hệ thống ATC

VOV.VN - Hình thức thu phí không dùng tiền mặt mà thông qua tài khoản đăng ký trước với hệ thống hoặc thẻ trả trước.

Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội có công bằng?
Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội có công bằng?

Hà Nội vừa đưa ra lý lẽ của mình để xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long.

Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội có công bằng?

Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội có công bằng?

Hà Nội vừa đưa ra lý lẽ của mình để xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long.

Không có cơ sở để Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long
Không có cơ sở để Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long

VOV.VN -Việc thu phí sẽ không chỉ dẫn đến việc "phí chồng lên phí", mà các phương tiện sẽ “né” đi vào cao tốc để tránh mất phí.

Không có cơ sở để Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long

Không có cơ sở để Hà Nội thu phí trên Đại lộ Thăng Long

VOV.VN -Việc thu phí sẽ không chỉ dẫn đến việc "phí chồng lên phí", mà các phương tiện sẽ “né” đi vào cao tốc để tránh mất phí.